Liên quan đến tình hình sức khỏe bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh mắc COVID-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (43 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM), Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ đã đánh giá bệnh nhân tổn thương phổi mức độ lớn và có chỉ định ghép phổi. Đây là giải pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân.
Thứ trường Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. |
Theo Thứ trưởng Long, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đang khởi động chương trình tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện. Đặc biệt, khi khẳng định bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2, các bác sĩ tiến hành chuyển nam phi công về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp thực hiện làm nuôi cấy để khẳng định không còn virus corona trong cơ thể bệnh nhân. Khi khẳng định âm tính mới tiến hành chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị hồi sức cho người bệnh.
“Tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhân này khá nặng nề, hiện chỉ còn khoảng 10%. Nếu không ghép phổi, khả năng tử vong cao. Ghép phổi là cơ hội sống của bệnh nhân này. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh nhân đang có biểu hiện nhiễm trùng nhiều tạng. Do đó, các y bác sĩ đang tập trung điều trị nhiễm trùng và hồi sức trước khi thực hiện chỉ định ghép phổi”, Thứ trưởng Long nói.
Các bác sĩ thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. |
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện trên thế giới có 3 trường hợp mắc COVID-19 nặng được ghép phổi thành công. Các bệnh nhân sau khi ghép đều có tiến triển tốt.
Trong khi đó nước ta cũng đã ghép phổi thành công cho một số trường hợp. “Chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực và trình độ để ghép phổi cho BN91. Hiện để có nguồn tạng cho bệnh nhân, các bác sĩ vẫn đang kêu gọi và ưu tiên số 1 tìm tạng hiến từ người cho chết não. Bộ Y tế ghi nhận tấm lòng của các cá nhân xin hiến phổi để ghép cho BN91”, Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Tính tới chiều 15/5, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, có 50 người đăng ký hiến một phần phổi của mình cho phi công người Anh. Những người này ở nhiều độ tuổi, từ 21 đến 71 và làm nhiều ngành nghề khác nhau. Có người là bác sĩ, điều dưỡng, nhà báo, có người là bộ đội... Một số cá nhân còn bày tỏ được góp kinh phí nếu ca ghép được triển khai.
Hiện Cục Quản lý (Bộ Y tế) khám chữa bệnh đang nghiên cứu, xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ cho trường hợp của BN91. Chi phí trung bình cho một ca ghép phổi từ 1,5-2 tỷ đồng và nhiều hơn tùy thuộc vào thời gian hồi sức sau ghép.