Lucy Cheke, tác giả của các báo cáo mới, cho rằng hội chứng "COVID kéo dài" vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Hội chứng này cần được xem xét và chú ý một cách nghiêm túc hơn, các vấn đề nhận thức là một phần quan trọng trong đó.
Các kết quả báo cáo được từ những dữ liệu của dự án có tên "Bệnh COVID và nghiên cứu nhận thức" (COVCOG). Dự án tập hợp gần 200 bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn từ cuối 2020 đến đầu 2021 và đối chiếu với một nhóm tương đương về quy mô, các điều kiện nhân khẩu học và không nhiễm bệnh.
Theo các kết quả, khoảng 2/3 số người bị bệnh COVID-19 đã xuất hiện các triệu chứng COVID kéo dài (kéo dài hơn 12 tuần kể từ ngày xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2). Trong số những người nhiễm COVID-19, 78% gặp vấn đề khó tập trung, 69% gặp vấn đề não sương mù, 68% xuất hiện các triệu chứng hay quên và khoảng 40% gặp khó khăn về ngôn ngữ như nói hoặc viết sai.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra những người xuất hiện các triệu chứng COVID kéo dài cũng gặp nhiều bất tiện, gián đoạn trong cuộc sống hằng ngày. Hơn một nửa số bệnh nhân COVID-19 tham gia nghiên cứu không thể làm việc thêm giờ và 1/3 số này mất việc làm vì bị ốm. Theo nhà nghiên cứu Muzaffer Kaser, cũng tham gia dự án, những kết quả này càng góp phần khẳng định một tác động có thật và có thể đánh giá được đang xảy ra với các bệnh nhân COVID-19. Chuyên gia này cho rằng đây là một bằng chứng quan trọng cho thấy bệnh nhân khỏi COVID-19 vẫn gặp những khó khăn về nhận thức, không nhất thiết phải là lo lắng hay trầm cảm, những khó khăn về ghi nhớ cũng tác động tới cuộc sống hằng ngày của người bệnh.
Giống với các nghiên cứu trước đó về COVID kéo dài, các kết quả mới chỉ ra tình trạng bệnh nặng hay nhẹ khi mắc bệnh có thể là một cơ sở để dự báo về nguy cơ xuất hiện các triệu chứng COVID kéo dài. Số bệnh nhân COVID-19 tham gia dự án bị bệnh nặng phải nhập viện không nhiều nhưng có tỷ lệ chịu các triệu chứng kéo dài cao hơn. Bên cạnh đó, người xuất hiện càng nhiều triệu chứng khi bị bệnh thì càng có khả năng cao chịu các vấn đề về nhận thức kéo dài. Nói một cách khác, những người xuất hiện tất cả các triệu chứng về thần kinh, hô hấp hoặc tiêu hóa khi bị bệnh thì sẽ có nguy cơ cao hơn chịu các di chứng nhận thức vài tháng sau khi mắc bệnh.
Nghiên cứu mới kết luận rằng có sự khác biệt về khả năng nhận thức khách quan giữa những người mắc và chưa mắc COVID-19. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định chính xác yếu tố cụ thể dẫn tới những dấu hiệu ảnh hưởng nhận thức kéo dài. Các nhà nghiên cứu hiện giả định tình trạng viêm hệ thống kéo dài có thể là một nguyên nhân gây gián đoạn nhưng vẫn cần phải thực hiện thêm các nghiên cứu chuyên sâu để có kết luận chính xác. Chuyên gia Kaser cho rằng khi người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện các ổ viêm trong cơ thể và tình trạng viêm này có thể tác động tới hành vi hoặc nhận thức theo những cách vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Dù dự án COVCOG vẫn đang diễn ra nhưng chuyên gia Kaser cho rằng các kết quả nghiên cứu trên sẽ giúp cả các bệnh nhân và bác sĩ hiểu hơn và xác định các trường hợp mắc COVID kéo dài.
Hai báo cáo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Aging Neuroscience.