Trong Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 – 2023 theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Các chuyên gia về dịch tễ đều đồng tình với đề xuất của Chính phủ, song nhiều câu hỏi mới được đặt ra cần có lời giải đáp thỏa đáng.
Các chuyên gia dịch tễ ủng hộ…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nêu ý kiến: "Theo tôi, nghị quyết (Nghị quyết 38/NQ-CP) đưa ra quan điểm như vậy là rất đúng và hợp lý. Chúng ta cần nghiên cứu và căn cứ tình hình dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng cả về khoa học và thực tiễn để xây dựng kế hoạch chuyển đổi bệnh từ nhóm A sang nhóm B. Chúng ta phải làm sao để vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa làm được kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng nêu rõ: Việc có kế hoạch đưa COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là chuyển biến tốt, đây cũng là xu hướng hiện nay trên thế giới. Điều này không đồng nghĩa với hết dịch, bởi dịch vẫn tiếp tục lưu hành và gây chết người, nhưng nó không còn “tối nguy hiểm” nữa.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh, cố vấn khối Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Cần sớm đưa COVID-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A để phù hợp với tình hình thực tế và tạo điều kiện ổn định đời sống xã hội, cũng như phát triển kinh tế".
Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ việc đưa COVID-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A. Ông nhấn mạnh: “Lo lắng quá thì cũng không nên, mà coi thường thì cũng không được. COVID-19 vẫn là căn bệnh nguy hiểm, vẫn lây lan nhanh và gây tử vong, nhưng không phải là tối nguy hiểm nữa. Tôi hoàn toàn đồng ý nên sớm đưa COVID-19 ra khỏi danh sách bệnh đặc biệt nguy hiểm”.
Tiến sỹ Phạm Hùng Vân nêu quan điểm rằng vào thời điểm hiện nay COVID-19 không còn là nguyên nhân khiến xã hội phải hy sinh việc phát triển kinh tế, một số quốc gia cũng đã không xem COVID-19 là đặc biệt nguy hiểm và đưa ra nhiều chính sách mở cửa về kinh tế, xã hội cũng như chính sách phòng, chống dịch theo cách mới.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, để đưa COVID-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A và đưa vào nhóm B thì cần có những điều kiện nhất định. Cụ thể, thứ nhất, dịch COVID-19 có gây bùng phát mạnh hay không, có xuất hiện các biến chủng nữa không? Thứ hai, tình hình chuyển nặng và tử vong có lớn không, có gây quá tải hệ thống y tế hay không? Thứ ba, phải căn cứ vào khả năng đáp ứng về y tế, hiệu quả của vaccine, thuốc điều trị; Thứ tư, phải xem dịch có ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế- xã hội, an sinh của người dân hay không.
Nếu dịch đặc biệt lây lan nhanh, còn bệnh nhân nặng, quá tải đối với việc đáp ứng y tế và khả năng kiểm soát dịch thì chưa nên công nhận thành bệnh truyền nhiễm nhóm B. Phải căn cứ từ luận chứng khoa học và cả thực tiễn để đưa ra quyết định chuyển sang loại bệnh truyền nhiễm nhóm B. Hiện tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa xếp COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng sau khi xuất hiện Omicron thì sẽ có thêm những biến chủng khác, cho nên chỉ khi nào tình hình dịch tễ đáp ứng được mức độ ổn định về số ca mắc và ca tử vong thì mới nên xem đây là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Giống như sốt xuất huyết, sởi, có thể bùng phát lên từng khu vực, từng vùng, từng mùa nhưng nó cũng đã thành bệnh lưu hành (bệnh đặc hữu).
…Nhưng vẫn có câu hỏi chờ giải đáp
Khi COVID-19 được chuyển sang loại bệnh truyền nhiễm nhóm B thì từ việc điều tra dịch tễ, xét nghiệm, công bố số liệu cho tới việc cách ly, điều trị… đều có sự thay đổi đáng kể. Chẳng hạn, sẽ không còn hạn chế sự tập trung đông người; không còn việc bắt buộc cách ly người bệnh; không còn yêu cầu bắt buộc điều trị như đối với bệnh nhân nhóm A; không còn các đợt xét nghiệm diện rộng; không còn đếm số ca mắc; không có khái niệm F0; không còn việc miễn phí điều trị, cách ly.
Theo nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch, đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, tùy thuộc vào tình hình dịch mà sẽ được áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch. Đồng thời, các biện pháp sẽ được áp dụng như cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh, áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng.
Cần hiểu rằng trong trường hợp COVID-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì theo quy định phòng, chống dịch hiện hành, các biện pháp sau sẽ không còn được áp dụng như hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nêu ý kiến có vài điểm “vênh” với Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu cho biết: Chúng ta đang thích nghi linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng vaccine đã đạt mức cao. Song, không thể sử dụng các biện pháp phòng, chống COVID-19 giống với các bệnh thuộc nhóm B thông thường như bệnh cúm, ho gà, lao phổi…, mà phải có những biện pháp phòng, chống dịch hợp lý, đặc thù.
Câu hỏi đặt ra là Bộ Y tế có nên xem xét “tư cách đặc thù” đối với COVID-19? Nghĩa là, tuy đã chuyển COVID-19 sang “nhóm B” nhưng tùy vào tình hình dịch tễ cụ thể (tỷ lệ bệnh nhân trở nặng, số ca tử vong) ở những địa bàn cụ thể mà chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp phòng, chống nhất định như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A. Nghĩa là, với COVID-19 cách thức chống chọi phải được áp dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo, không rập khuôn, cứng nhắc theo lý thuyết.
Thạc sỹ, bác sỹ Đỗ Cao Vân Anh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng các nhà khoa học Việt Nam và thế giới vẫn cần cảnh giác trong việc giám sát các biến chủng của SARS-CoV-2 dù bệnh này là nhóm A hay nhóm B. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục theo dõi xem virus có thêm các biến thể mới hay không, vì nếu có thì thường sẽ đi kèm với sự thay đổi hình ảnh lâm sàng của bệnh. Ở góc độ chuyên gia, khoa học, chúng tôi sẽ có hệ thống giám sát dịch bệnh, không thể buông COVID-19 hoàn toàn. Song song, các nhà quản lý sẽ nghiên cứu về chính sách để phát triển kinh tế, ổn định xã hội”.
Các chuyên gia y tế đều nhất trí rằng việc chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng, chống dịch, giảm áp lực lên các cơ sở y tế, nhân viên y tế. Cụ thể, người bệnh phải tự trả chi phí điều trị hoặc bảo hiểm y tế thanh toán theo luật định.
Vậy, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương sẽ được áp dụng như thế nào khi họ mắc COVID-19? Chữa bệnh suy hô hấp cấp tính nặng không đơn giản, nhất là khi phải áp dụng các biện pháp điều trị tích cực. Trong khi đó, với đặc tính lây lan nhanh, người nghèo mắc bệnh lại không có điều kiện tự cách ly an toàn nên rất dễ truyền SARS-CoV-2 cho các thành viên trong gia đình. Một gia đình có thể có 7 -10 người bệnh ở nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ. Số tiền để điều trị sẽ rất lớn, quá sức chịu đựng của những người yếu thế.
Thêm một vấn đề nữa là nếu COVID-19 được chuyển sang loại bệnh truyền nhiễm nhóm B thì người bệnh được khuyến cáo vẫn phải tự cách ly vì đã là bệnh truyền nhiễm thì cách ly là điều nên làm. Tuy nhiên, khi đã bỏ việc cách ly bắt buộc thì khó trông chờ vào sự tự giác của người dân và như vậy, bệnh càng có điều kiện lây lan mạnh hơn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, một số bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn phải được công bố dịch trên toàn quốc. Với COVID-19, khi chúng ta chuyển sang nhóm B thì tùy theo tính chất, mức độ của dịch để có quyết định công bố dịch hay không. Tuy nhiên, khi chuyển COVID-19 sang nhóm B thì các chính sách phải được xây dựng sao cho phù hợp vì loại bệnh này có quá nhiều tính chất đặc thù và phức tạp.
Bởi vậy, theo ý kiến của các chuyên gia y tế, khi nghiên cứu để chuyển COVID-19 sang nhóm B thì cơ quan chức năng cần thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự tham gia của các bộ, ngành, các cấp, đặc biệt là Bộ Y tế, đồng thời cần phải có lộ trình. Bộ Y tế có trách nhiệm nghiên cứu về dịch bệnh, còn các ngành, các cấp phải cùng nghiên cứu về chính sách. Việc nghiên cứu và các chính sách cần sâu sát tới từng địa phương vì mỗi tỉnh, thành phố lại có điều kiện kinh tế, khả năng đáp ứng điều trị bệnh khác nhau.