Theo Bác sĩ Chuyên khoa II, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ Vũ Thị Hương Giang, đa phần bệnh nhân phục hồi sức khỏe sau khi điều trị các triệu chứng hậu COVID-19. Một số thống kê cho thấy bệnh nhân không điều trị vẫn có cải thiện, song cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân bị biến chứng nặng, không được điều trị kịp thời có thể trở thành di chứng vĩnh viễn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Các vấn đề chủ yếu mà người bệnh gặp phải hậu COVID là: mệt mỏi (58%), đau đầu (44%), rối loạn chú ý, rụng tóc, khó thở, lú lẫn, loạn thần, nổi mề đay, đau cơ, trầm cảm, đánh trống ngực... Về tâm lý, nhiều bệnh nhân bị stress, rối loạn lo lâu, rối loạn giấc ngủ... Do đó, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám sớm. Các bác sĩ sẽ được thực hiện xét nghiệm, đánh giá tổng quát thể trạng. Từ đó, kịp thời điều trị di chứng do SARS-CoV-2 gây ra, giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.
Bác sĩ Chuyên khoa II Triệu Anh Đệ, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ nêu lưu ý các nhóm bệnh nhân hậu COVID cần đặc biệt quan tâm đến việc tái khám sau khi khỏi bệnh, đó là: những người có bệnh nền (như huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa...); nhóm người từ 60 tuổi trở lên; nhóm người khi mắc COVID có các triệu chứng nặng (suy hô hấp, sốt cao...).
Các bác sỹ cũng khuyến cáo người bệnh hậu COVID nên tăng cường các bài tập thở, đi bộ, tập dưỡng sinh, chạy xe đạp... để phục hồi chức năng phổi. Đồng thời, cần chú ý dinh dưỡng, chia nhỏ bữa ăn thành 3-5 bữa/ngày, với thực đơn nhiều rau, trái cây, nước ép. Đặc biệt, bổ sung sữa và chuối để tăng kali...