Ghi nhận của PV vào sáng 31/7 tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố hiện có 3 trẻ SXH rơi vào sốc đang được theo dõi tích cực, còn tại khoa Cấp cứu hồi sức tích cực- chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hiện đang điều trị tích cực cho khoảng 10 trẻ mắc SXH đã ở giai đoạn nặng.
Theo bác sĩ CK 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, tính đến nay đã có khoảng 1600 trường hợp bệnh nhi đến khám vì SXH, nhập viện điều trị khoảng 600 trường hợp. Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, chỉ trong tháng 6 và 7/2019 đã có 2545 ca nội trú điều trị sốt xuất huyết SXH, trong đó có hơn 470 ca SXH ở trẻ em, 1 ca tử vong và 4 ca chuyển nặng nên đã xin về nhà. “Năm nay mùa mưa đến sớm, một tháng trở lại đây số bệnh nhi nhập vào khoa khá đông, mỗi ngày có khoảng 3-5 ca sốc SXH. Phần lớn các bệnh nhi đều ở tỉnh chuyển lên, nhiều hơn cả là các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu…. Mới đây nhất đã có một trường hợp bệnh nhi tử vong vì sốc SXH trên cơ địa thừa cân béo phì”, Bác sĩ Huỳnh Trung Triệu, Phó Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực- chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết.
Đánh giá về yếu tố khiến bệnh SXH trở nặng ở trẻ, BS Trung Triệu cho rằng tại khoa cứ khoảng 10 trẻ theo dõi SXH thì có 5 trẻ trong cơ địa thừa cân, béo phì. “Thông thường lượng dịch truyền phải dựa vào cân nặng của đứa bé. Đối với những bé dư cân, sẽ không thể điều trị dựa vào cân nặng thật để tính toán lượng dịch cần truyền đủ. Bên cạnh đó, những bé thừa cân thì rất khó tiếp cận đường tĩnh mạch, lấy ven. Các thủ thuật hồi sức cấp cứu khác cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện”, BS Triệu phân tích.
Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực- Chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đang theo dõi và điều trị cho khoảng 10 bệnh nhi đang ở giai đoạn sốc SXH. |
Mẹ của bé N.Đ.P.H (9 tuổi, ngụ Bến Lức, Long An)-bệnh nhi đang được theo dõi tại khoa Cấp cứu hồi sức tích cực- chống độc trẻ em cho biết 2 ngày trước khi nhập viện , bé H bắt đầu có những dấu hiệu sốt cao, ăn kém. Cứ nghĩ bé bị sốt thông thường nên gia đình không đưa đến Bệnh viện khám bệnh mà chỉ mua thuốc tại tiệm thuốc tây gần nhà. “Đến ngày thứ 3 bé ói nhiều, đau bụng, đưa lên bệnh viện được chẩn đoán SXH nên được cho vào khoa và nằm theo dõi”. Theo BS Triệu, bệnh nhi H mới 9 tuổi nhưng cân nặng đến 59 kg, đây là yếu tố thuận lợi để bệnh diễn tiến nặng hơn nên dễ rơi vào sốc. Sau khi nhập viện, bệnh nhi được truyền dịch, thở oxy, đánh giá để theo dõi các tổn thương sát mỗi giờ”, bác sĩ cho biết.
BS Trung Triệu cho biết tại khoa cũng đã từng tiếp nhận cấp cứu cho một bệnh nhân SXH 12 tuổi ở Bà Rịa Vũng Tàu được chuyển lên từ một bệnh viện địa phương. Theo đó, bản thân bệnh nhi có sẵn cơ địa dư cân. Trong quá trình điều trị bé tái sốc 2 lần, sau đó rơi vào suy tim, rối loạn nhịp, tràn dịch màng tim, dù đã được điều trị tích cực nhưng bé vẫn không qua khỏi.
Nói về những dấu hiệu của bệnh SXH, theo BS CK II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành Phố, trong 1- 2 ngày đầu, người bệnh bị sốt cao, tuy nhiên dấu hiệu khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường. Chính vì vậy, người bệnh cần xét nghiệm máu để xác định có mắc SXH không. Ở giai đoạn tiếp theo, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 có dấu hiệu hạ sốt, nhưng xuất hiện những vết xuất huyết trên cơ thể, phụ huynh không nên chủ quan, trẻ cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên để tránh bệnh chuyển biến nặng.
Bệnh nhi 10 tuổi nhập viện vì sốt xuất huyết khi đã ở ngày thứ 4 của bệnh. |
“Đối với trẻ có cơ địa thừa cân béo phì, khi mắc bệnh SXH thường bệnh diễn tiến nặng hơn. Để tránh những biến chứng do SXH gây ra, nếu trẻ sốt liên tục 3 ngày kèm dấu hiệu mệt mỏi, có nhiều nốt xuất huyết bất thường ngoài da, đi cầu phân đen, tay chân lạnh, chán ăn, mệt mỏi… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, gia đình cần thông báo cho trạm y tế để khoanh vùng, phun xịt không để bệnh lây lan trên diện rộng”, BS Tiến khuyến cáo.