Bệnh viện Chợ Quán: Di tích lưu giữ dấu ấn của Tổng Bí thư Trần Phú

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 28/12, Ủy ban nhân dân Quận 5 (TP Hồ Chí Mình) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khởi công Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới), nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị thực dân Pháp giam giữ và hy sinh.
Khu di tích trại giam Bệnh viện Chợ Quán.
Khu di tích trại giam Bệnh viện Chợ Quán.

Trước buổi lễ, đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ làm Trưởng đoàn đã dâng hoa, dâng hương trước tượng đài Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Phú, trong khuôn viên Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán.

Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh) được xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam". Thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động, Bệnh viện chuyên điều trị các loại bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần. Do nhu cầu điều trị bệnh tâm thần nên trong bệnh viện có xây một khu riêng biệt dành riêng để nhốt các bệnh nhân này.

Trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã bắt bớ, tra tấn dã man đến lâm bệnh nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Để khai thác tin tức, chúng đưa tù nhân vào khu nhà nhốt bệnh nhân tâm thần của Bệnh viện Chợ Quán để vừa điều trị cầm chừng vừa tiếp tục tra hỏi. Từ đó, khu nhà nhốt bệnh nhân tâm thần trở thành nơi giam giữ những người tù bị bệnh.

Ngày 18/4/1931, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) Trần Phú đã bị bắt tại nhà số 66 đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng, Quận 3), cơ quan ấn loát của Đảng. Sau khi giam giữ và dùng nhiều cực hình tra tấn dã man Tổng Bí thư Trần Phú ở nhiều trại giam khác nhau, chúng chuyển ông về Khám Lớn Sài Gòn để chuẩn bị xét xử. Lúc này, sức khỏe của Tổng Bí thư Trần Phú đã ngày càng suy kiệt.

Thực dân Pháp muốn duy trì sự sống của Tổng Bí thư Trần Phú để khai thác những bí mật của Đảng, nên ngày 26/8/1931, chúng đưa ông đến trại giam trong Bệnh viện Chợ Quán để điều trị bệnh. Tuy nhiên, do bệnh tình trở nặng nên đến ngày 6/9/1931, Tổng Bí thư Trần Phú đã qua đời ở tuổi 27, với lời nhắn nhủ đến các chiến sỹ cách mạng "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".

Ngày nay, Khu trại giam trong Bệnh viện Chợ Quán (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh) được mở cửa để đón khách tham quan. Di tích vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm, xiềng xích dưới chế độ thực dân; cũng như những dấu ấn về cuộc chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng với những khẩu hiệu đấu tranh bằng máu còn rõ nét trên các bức tường. Từ cửa trại giam đi vào, đầu tiên là phòng giam lớn để giam khoảng 20 người; Tổng Bí thư Trần Phú đã ở phòng này khi mới đến trại giam. Ngày 16/11/1988, Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Tuy nhiên, những năm gần đây, di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán ngày càng xuống cấp, các tài liệu, hình ảnh trưng bày đã bị mờ, trầy xước, một số bị rách. Nhiều phòng giam phải đóng cửa, ngừng phục vụ khách tham quan, chỉ có phần khuôn viên bên ngoài được mở để người dân vào thắp hương. Trước tình hình đó, ngày 18/4/2023, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết "Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới", nhằm khôi phục di tích này xứng tầm với di tích quốc gia.

Theo kế hoạch, hạng mục nhà kho và căng tin hiện hữu của Bệnh viện sẽ được tháo dỡ để mở rộng tuyến tham quan công trình. Các hạng mục như trại giam, chốt canh, cổng, hàng rào, nhà vệ sinh, sân vườn, tượng và bia tưởng niệm cũng được tôn tạo, tu bổ. Các phòng giam thường, phòng giam chính trị và phòng giam đặc biệt (nơi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh) được giữ lại và phục dựng cảnh trí lịch sử, các phòng còn lại chuyển thành phòng trưng bày. Việc tu bổ, tôn tạo nhà giam được thực hiện theo nguyên trạng, quy mô 822 m2, trong khu đất di tích có diện tích hơn 2.211 m2, mức đầu tư hơn 33,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố. Dự án triển khai từ năm 2023, dự kiến hoàn thành vào ngày 1/5/2024, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5 Trương Minh Kiều cho biết, Khu di tích trại giam Bệnh viện Chợ Quán với tấm gương sáng chói của Tổng Bí thư Trần Phú về lòng yêu nước, tinh thần kiên định cách mạng và tình thương nhân ái đối với đồng chí, đồng đội có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với thế hệ trẻ. Việc nâng cấp, hoàn thiện về không gian, kiến trúc, cảnh quan tại Khu di tích không chỉ nhằm phát huy giá trị di tích với không gian lưu giữ, trưng bày mỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử cách mạng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, mà còn phát huy hiệu quả giá trị truyền thống cách mạng, gìn giữ cho thế hệ mai sau một di sản văn hóa nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhắc nhở thế hệ sau lời di huấn của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".

Tổng Bí thư Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ tháng 10/1930 đến tháng 4/1931, mất ngày 6/9/1931, tại Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh).

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.