Sáng 6/2, tại bệnh viện dã chiến số 3 ở Hải Dương, xây dựng trên mặt sàn 5.000m2 của Đại học Sao Đỏ, công nhân hoàn thành lắp đặt vách ngăn, hệ thống nhà vệ sinh mới. Khu xử lý nước thải đã vận hành thử nghiệm chiều qua.
Tầng một là nơi tiếp nhận bệnh nhân, đặt trang thiết bị xét nghiệm, điều trị. Các tầng còn lại là phòng bệnh và một số phòng chức năng.
Bệnh viện tổng cộng 239 giường, khi cần thiết nâng công suất lên khoảng 300. Các giường bệnh cách nhau bằng vách ngăn hạn chế lây nhiễm. Có nhiều loại phòng bệnh 16 hoặc 24 giường. Toàn bộ cơ sở vật chất lắp đặt được vận chuyển từ Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn (Đà Nẵng) ra.
Ông Tăng Bá Bay, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương, cho biết phần xây dựng cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng bàn giao cho ngành y tế vào đầu tuần sau. Việc lắp đặt hệ thống máy móc điều trị sẽ do ngành y tế quyết định.
100 người đến từ nhiều đơn vị đã làm việc ngày đêm, sau 7 ngày đã hoàn thiện, vượt tiến độ 2 ngày. Công trình huy động từ kỹ sư tập đoàn SunGroup đến công nhân thi công cầu vượt, công ty thoát nước, bộ đội. "Dù đã hoàn thành, chúng tôi hy vọng không phải dùng đến như Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn ở Đà Nẵng, đồng nghĩa với việc tỉnh nhà đã dập được dịch", ông Tăng nói.
Bệnh viện dã chiến số 3 do Sun Group thực hiện khi đưa vào sử dụng sẽ nâng công suất điều trị bệnh nhân COVID-19 của ngành y tế Hải Dương lên khoảng 900 giường, mở rộng tối đa 1.200 giường. Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Trung tâm Y tế Chí Linh hoạt động từ ngày 29/1, có thể điều trị tối đa 300 bệnh nhân. Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, quy mô 210 giường bệnh, công suất tối đa 400.
Trong những ngày qua, Hải Dương ghi nhận 290 ca COVID-19, nhiều nhất cả nước. Số ca mắc lớn nhưng khác với Đà Nẵng, bệnh nhân Hải Dương đa số là công nhân, tuổi đời trẻ, ít bệnh nền. Một số ca diễn biến nhẹ, song lực lượng y tế vẫn thận trọng.