Rải rác trên hồ cạn Racetrack Player (còn được gọi là Racetrack Playa), ở thung lũng chết Death Valley, hàng trăm hòn đá tự di chuyển một cách bí ẩn và để lại những "con đường mòn" trên mặt hồ. Các thế lực "huyền bí'' đằng sau những tảng đá khổng lồ (có thể nặng tới 320 kg) đã làm đau đầu các nhà khoa học trong gần một thế kỉ.
Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Scripps, ĐH California, San Diego, Mỹ đã giải mã được câu đố này sau khi chứng kiến hiện tượng này xảy ra.
Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm vào năm 2011 với sự cho phép của ban quản lí Park Service. Họ đã quyết định theo dõi những tảng đá từ xa bằng cách cài đặt một trạm khí tượng độ phân giải cao có khả năng đo sức gió liên tục trong khoảng 1 giây và sắp đặt 15 tảng đá trên mặt hồ với các tùy chỉnh được gắn định vị GPS nhằm theo dõi chuyển động. Sau đó chờ đợi quan sát các hiện tượng xảy ra.
"Khoa học đôi khi có yếu tố may mắn ", Giáo sư Norris nói. Ông cho biết những tảng đá có thể đứng yên trong một thập kỉ hoặc lâu hơn mà không hề di chuyển, nhưng chỉ hai năm thực hiện dự án, ông và các đồng nghiệp tình cờ có mặt vào đúng thời điểm hiện tượng xảy ra.
"Ngày 21/ 12/2013, băng vỡ vào khoảng giữa trưa, cùng với tiếng nổ lốp bốp và âm thanh nứt nẻ đến từ khắp nơi trên bề mặt hồ băng giá ", Giáo sư Norris nói. Đây chính là thứ mà ông và các đồng nghiệp đang tìm kiếm. Các nhà khoa học khám phá ra rằng hồ Playa được bao phủ bởi một ao nước sâu 7 cm. Ngay sau đó, những tảng đá bắt đầu di chuyển.
Các quan sát cho thấy để những tảng đá di chuyển được đòi hỏi phải có một sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đầu tiên, hồ Playa phải có mực nước đủ sâu để tạo thành băng trôi trong đêm đông lạnh giá nhưng cũng đủ nông để lộ những tảng đá.
Khi nhiệt độ ban đêm giảm mạnh, hồ đóng băng hình thành tấm băng mỏng như ''kính cửa sổ'', mà phải đủ mỏng để di chuyển tự do nhưng cũng đủ dày để tạo lực đẩy những hòn đá.
Vào những ngày trời nắng, băng bắt đầu tan chảy và bị vỡ thành nhiều mảng lớn, khi có gió nhẹ lướt trên mặt hồ Playa, nó sẽ đẩy tảng đá về phía trước và để lại những con đường mòn trong lớp bùn mềm dưới bề mặt hồ.
Những hòn đá chỉ có thể di chuyển một khoảng 2-6 mét trong 1 phút, tốc độ này gần như không thể nhận thấy ở khoảng cách xa. Trong một sự kiện, các nhà nghiên cứu quan sát thấy 3 tảng đá bắt đầu di chuyển cùng lúc và đi khoảng 60 m trước khi dừng lại. Các tảng đá tự di chuyển nhiều lần trước khi dừng lại hoàn toàn.
Trước đó có nhiều lí thuyết giải thích những hòn đá tự chuyển động là do gió lốc xoáy, ma quỷ, lớp màng tảo trơn, hoặc tảng băng dày.