Vì sao bị táo bón?
Có nhiều nguyên nhân gây táo bón, theo lương y Hoài Vũ đó là: do một số người ăn ít rau, hoa quả, uống ít nước, hoặc dùng nhiều trà đặc, cà phê; có người bị táo bón do nằm nhiều, ít vận động; cũng có người do hay nhịn đại tiện, lâu ngày thành thói quen đi ngoài ít. Người táo bón lâu ngày thường thấy nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, dễ buồn nôn. Có thể do phân bị tích lại lâu ngày ở đại tràng, các chất độc từ phân có điều kiện ngấm vào máu, gây nên các triệu chứng trên. Cũng do bị nhiễm độc thường xuyên như vậy, người bệnh thường xanh xao, suy yếu. Thần kinh cũng bị ảnh hưởng nên người bị táo bón dễ cáu gắt, mất bình tĩnh, hay bị trĩ (lòi dom) vì mỗi lần đi ngoài phải rặn nhiều...
Tác dụng của khoai lang
Khoai lang là thực phẩm phổ biến, hữu ích cho sức khỏe con người do chứa nhiều chất xơ, carotene, các vitamin và chất chống oxy hóa...Là một món ăn dân dã nhưng từ lâu cũng được công nhận là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh.
Tính về thành phần dinh dưỡng, trong 100g củ khoai lang tươi có 6,8g nước, 0,8g protid, 0,2g lipit, 28,5g gluxit, 1,3g xenluloza, và cung cấp cho cơ thể 122 calo. Ngoài ra, trong khoai lang còn có nhiều vitamin và muối khoáng, có canxi, sắt, các vitamin B2, PP và C.
Trong 100g rau khoai lang có 91,9g nước, 2,6g protit, 2,8g gluxit, 48mg canxi, 54 mg phospho, 11 mg vitamin C...
Theo Đông y, khoai lang có nhiều tên như: cam thử, phiên chử. Củ khoai lang tính bình, vị ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm. Rau lang tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, dùng chữa tỳ hư, kém ăn. Kiêng kỵ với các trường hợp tiêu chảy, viêm dạ dày đa toan, đường huyết thấp. Khoai lang vàng đỏ có nhiều vi chất hơn khoai lang trắng.
Ngoài giá trị về dinh dưỡng, cả rau và củ khoai lang còn là một vị thuốc trị táo bón cực kỳ công hiệu.
Bài thuốc chữa táo bón trong 3 ngày, trĩ trong 6 ngày
Trong cuốn "Những cây thuốc và bài thuốc Việt Nam" của cố GS Đỗ Tất Lợi có ghi lại tác dụng dược lý của khoai lang như sau:
"Thí nghiệm trên chuột và trên người tác dụng của nước sắc lá khoai lang, chúng tôi thấy tá dụng nhuận tràng rõ rệt cả với chuột và người, không có hiện tượng nào khó chịu.
Kết quả này phù hợp với nhận xét trong nhân dân: Một số lớn người ăn rau khoai lang thường đi đại tiện rất dễ dàng".
Cũng trong cuốn sách này, GS Đỗ Tất Lợi giới thiệu một bài thuốc được áp dụng nhiều tại các bệnh viện của Liên Xô cũ dùng để trị táo bón và bệnh trĩ cho bệnh nhân bằng củ khoai lang mà không cần dùng thuốc.
Bài thuốc như sau: Rửa củ khoai cho sạch, gọt vỏ, nghiền nát vắt lấy nước. Buổi sáng sớm cho bệnh nhân uống vào lúc đói bụng 1/2 cốc to, trước bữa ăn 1/2 cốc nữa.
Sau 2 đến 3 ngày bệnh nhân khỏi táo bón, một số chỉ khỏi sau 3 - 4 ngày. Nếu có bệnh trĩ phải tới 6 ngày, một số cá biệt lên tới 12 - 20 ngày sau mới khỏi.
Hoặc dùng nước rau khoai lang - luộc lá khoai lang ăn và lấy nước uống cũng chữa khỏi táo bón: lấy 60-100g lá khoai lang (chọn những lá non) nấu với 250 ml nước, uống hết một lần. Uống mỗi ngày 2 lần và uống liền 2-3 ngày. Có thể luộc củ khoai lang, hoặc lấy những ngọn và lá khoai lang non luộc hay nấu canh ăn đều có tác dụng nhuận tràng rõ rệt, phân mềm, tránh được táo bón.
Bên cạnh đó, khoai lang là thực phẩm giàu protein. Protein trong khoai lang rất đặc biệt do khả năng ức chế ung thư ruột kết và trực tràng ở người. Hàm lượng protein trong khoai lang càng cao thì khả năng ức chế hoạt động của tế bào ung thư càng lớn.
Khoai lang cũng là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp ngăn ngừa cảm lạnh và virus cúm. Đồng thời, vitamin C cũng rất cần thiết cho xương và răng, tốt cho hệ tiêu hóa và quá trình hình thành các tế bào máu. Ngoài ra, vitamin C còn góp phần chữa lành vết thương, tạo ra collagen giữ cho làn da luôn tươi trẻ, giảm stress và bảo vệ cơ thể khỏi những độc tố có nguy cơ gây ung thư cao.
Lưu ý khi dùng khoai lang chữa táo bón và bệnh trĩ
- Nên ăn khoai lang với thực phẩm có đạm động vật hoặc thực vật, như vậy sẽ có tác dụng tối đa.
- Để điều trị bệnh trĩ hiệu quả nên chọn loại khoai vỏ trắng, ruột trắng.
- Không nên ăn khoai quá nhiều khi đói bởi hàm lượng đường trong đó sẽ khiến dạ dày tiết dịch vị quá nhiều, bị ợ chua và trướng bụng. Để khắc phục hiện tượng này, nếu luộc, nướng, hấp khoai thật chín và cho thêm một chút rượu để giảm nồng độ men.
- Những người bị bệnh thận thì không nên ăn rau lang nhiều bởi loại rau này có chứa rất nhiều chất xơ.
- Phần vỏ của khoai lang lai chính là nơi chứa nhiều vitamin và khoáng chất nhất. Nên trong quá trình làm sạch cần giữ phần vỏ, không nên cạo hay gọt vỏ khi luộc khoai.
Tuệ Linh