Chiều 21/2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng có buổi làm việc với Giám đốc Sở Y tế TP.HCM và giám đốc các bệnh viện trên địa bàn TP.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thăng bày tỏ sự trăn trở trước cán bộ ngành y để làm sao nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh, đẩy mạnh tự chủ, thực hiện xã hội hóa trong khám chữa bệnh.
Ông yêu cầu các giám đốc bệnh viện hiến kế để làm sao đầu tư nhanh vào cơ sở vật chất, công nghệ khám chữa bệnh kỹ thuật cao, phục vụ người dân một cách tốt nhất. Bên cạnh đó là việc phát triển y tế ngoài công lập, xây dựng mô hình quản lý bệnh viện...
“Tôi mời các đồng chí giám đốc bệnh viện đến đây để hiến kế cho thành phố. TP phải làm gì để nâng cao, đổi mới dịch vụ khám chữa bệnh, đảm bảo giá cả hợp lý, hỗ trợ người nghèo?”, Bí thư Thăng đặt vấn đề.
Đối thoại với ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Bí thư Thăng hỏi sắp tới Sở có những giải pháp gì để giảm tải bệnh viện tuyến trên.
Ông Bỉnh đáp, trong thời gian tới ngành này sẽ đưa các trung tâm y tế dự phòng vào thực hiện công tác khám chữa bệnh. Đồng thời, ngành y sẽ xây dựng các phòng khám vệ tinh ở các bệnh viện tuyến huyện tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây để bệnh nhân không ồ ạt đổ về bệnh viện tuyến trên.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thăng yêu cầu giám đốc các bệnh viện trình bày các vướng mắc. Bí thư hỏi lãnh đạo Bệnh viện quận Thủ Đức đã được tự chủ chưa. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc bệnh viện quận Thủ Đức đáp họ phải xin rất lâu mới đây mới được tự chủ, nhưng chưa được quản lý bệnh viện theo mô hình doanh nghiệp.
Theo ông Quân, từ lúc xin được tự chủ tài chính đến giờ, bệnh viện toàn đi vay tiền ngân hàng để đầu tư mua trang thiết bị.
Bí thư Thăng nói, "thế mới hấp dẫn" vì một mặt vẫn đảm dịch vụ tốt cho người dân mà Nhà nước lại không phải bỏ tiền đầu tư.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy, địa bàn này có sự phân bổ đầu tư chưa hợp lý khi Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức thưa thớt bệnh nhân lại được thành phố quyết định đầu tư thêm 1.000 giường. "Lẽ ra phải đầu tư vào Bệnh viện quận Thủ Đức", ông Thăng thẳng thắn.
Về việc chuyển đổi các cơ sở Nhà nước sang mô hình doanh nghiệp, Bí thư bày tỏ sự không hài lòng với lãnh đạo ngành y tế TP vì đã có chủ trương mà không cho làm. "Người ta năng động sáng tạo như vậy lại không khuyến khích, để họ đi xin mấy năm không được rồi nản", Bí thư Thành ủy nói.
Các bệnh viện lớn nợ hàng chục tỷ đồng
Phát buổi tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nêu thực trạng ngành y tế là khi các giám đốc bệnh viện hết nhiệm kỳ để lại một số nợ rất lớn cho giám đốc mới. Ví dụ bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bình Dân, Tai Mũi Họng và nhiều bệnh viện khác đang nợ từ 40 đến 100 tỷ đồng.
Bà Thu đề nghị công khai minh bạch trong việc tự chủ tài chính, đồng thời nâng cao vai trò quản lý của giám đốc các bệnh viện về các vấn đề tài chính, nhân sự, thiết bị, đấu thầu thuốc...
Phó chủ tịch UBND TP cũng đặt hàng trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn nữa về hợp tác quốc tế, giáo trình bồi dưỡng quản trị cho các phó và giám đốc bệnh viện. Theo bà, nên áp dụng mô hình quản lý của nước ngoài là tách giám đốc quản trị và giám đốc chuyên môn riêng bởi nhiều khi giám đốc làm chuyên môn tốt nhưng lại không làm tốt quản trị.
Nữ Phó chủ tịch cũng đề nghị Sở Y tế tăng cường quản lý cơ sở khám chữa bệnh tư, để những nơi này không lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của bệnh nhân.