Cảnh báo cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể làm suy giảm nghiêm trọng sự phát triển trên toàn thế giới vào năm 2050, do năng suất cây trồng giảm, dịch bệnh lây lan và nước biển dâng làm ảnh hưởng trực tiếp đến các thành phố ven biển.
Swiss Re cũng nêu rõ hậu quả nếu thế giới không nhanh chóng có những giải pháp giúp làm chậm lại tiến trình này, bước đầu tiên là hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo từ Swiss Re, tác động của biến đổi khí hậu có thể làm giảm 11-14% sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm 2050 so với mức tăng trưởng được ước tính ban đầu. Khi đó, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt hại 23 nghìn tỷ USD mỗi năm do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Một số quốc gia châu Á có thể sẽ phải hứng chịu những hệ luỵ nặng nề khi quy mô nền kinh tế giảm mất 1/3, công ty cho biết. “Nếu không hành động quyết liệt, các chính phủ sẽ phải đối mặt với những khoản chi tiêu khổng lồ nhằm đối phó với hậu quả mà nó để lại”, nhà phân tích Patrick Saner của Swiss Re cho biết.
Dự báo được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang tham gia một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về tình hình biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì.
Ông Biden đã thường xuyên có những động thái kêu gọi các quốc gia hành động quyết liệt hơn trong việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính, cũng như đưa ra cam kết sẽ thực hiện cắt giảm khoảng một nửa lượng khí thải của Mỹ vào năm 2030.
Cũng theo Swiss Re, nếu các quốc gia thành công trong việc đạt được mục tiêu được đề ra tại Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu năm 2015, thì thiệt hại kinh tế sẽ có thể được thu nhỏ.
Tuy nhiên, mức phát thải hiện tại còn quá xa so với các mục tiêu đó. Nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ tăng thêm 2,60C vào năm 2050, Swiss Re đưa ra dự đoán.
Nếu dự đoán trên chính xác, khi đó quy mô nền kinh tế của Mỹ sẽ bị thu hẹp hơn 7%, báo cáo trên ước tính. Trong khi đó, các quốc gia phương Tây khác, bao gồm Canada, Anh và Pháp, có thể mất từ 6-10% sản lượng kinh tế tiềm năng.
Đối với các quốc gia nghèo, hậu quả sẽ còn thảm khốc hơn nhiều.
Ngay cả khi mức tăng nền nhiệt toàn cầu không vượt quá 20C, thì các nước như Malaysia, Philippines và Thái Lan vẫn ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn 20% so với kỳ vọng vào năm 2050.
Đó vẫn chưa phải là trường hợp xấu nhất. Hãng bảo hiểm của Thụy Sĩ cũng mô phỏng các tác động đối với kinh tế toàn cầu khi mức nhiệt tăng thêm 3,20C vào năm 2050, và đây được xem là "trường hợp nghiêm trọng" nhất.
Trong viễn cảnh đó, của cải của các nước khu vực Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan sẽ sụt giảm gần một nửa. Ngoài ra, quy mô nền kinh tế Ấn Độ sẽ bị thu hẹp hơn 35%, trong khi con số tại Indonesia sẽ là hơn 40%.
Nếu tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu không sớm được kiểm soát, các quốc gia rất có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro “mang tính hệ thống” trên nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống.
Nhiều khả năng biến đổi khí hậu sẽ khiến cho nền kinh tế thế giới rơi vào nguy cơ “sụp đổ” trước một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính, vốn được dự báo là sẽ vô cùng tồi tệ.