Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết các nghiên cứu ghi nhận biến chủng nCoV Anh vẫn lây qua giọt bắn như chủng cũ. "Tuy nhiên các đột biến làm virus dễ dàng bám và xâm nhập tế bào cơ thể người hơn", bác sĩ Châu nói.
Khả năng gây "siêu lây nhiễm" của chủng nCoV cũ trong môi trường khép kín, qua ổ dịch Buddha Bar & Grill từng được nhóm nghiên cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và một số đơn vị, công bố trên Emerging Infectious Disease - tạp chí của CDC Mỹ. Bài báo này từng được sử dụng làm tài liệu nguồn về Covid-19 của Anh.
Theo nhóm nghiên cứu, một số giọt dịch siêu nhỏ dạng aerosol mang virus có thể rơi lơ lửng trong không khí một thời gian trước khi bám xuống bề mặt. Nếu nồng độ trong không khí dày đặc do môi trường khép kín, thông gió kém, nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết theo các nghiên cứu, chủng mới nCoV của Anh tăng độc lực khoảng 30%, khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ. "Các tỉnh phía Bắc đang là mùa lạnh, sẽ dẫn tới khả năng sống của virus ngoài môi trường kéo dài hơn so với khi thời tiết nắng nóng ở miền Trung", bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhận định virus lây truyền qua không khí, bao gồm qua aerosol và qua giọt hạt nhân. Các giọt bắn khi khô đi sẽ thành giọt hạt nhân bay trong không khí. Bác sĩ Cấp đang trong tâm dịch Hải Dương, hỗ trợ điều trị 165 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 ở thành phố Chí Linh - nơi có nhà máy Poyun là cụm dịch chính.
"Bởi vậy, nói biến thể lây truyền qua không khí cũng bao hàm việc lây truyền qua aerosol như trước kia đã khẳng định", bác sĩ Cấp nói. Theo dõi diễn tiến bệnh của các bệnh nhân Hải Dương đang điều trị, bác sĩ Cấp nhận thấy "có vẻ" biến thể Anh khiến tổn thương phổi sớm hơn so với giai đoạn trước. Ông cho biết những dấu hiệu này cần theo dõi kỹ, trên nhiều bệnh nhân hơn nữa mới có thể kết luận.
Bệnh viện dã chiến số 1 Hải Dương, đặt tại Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh, đang điều trị 165 bệnh nhân Covid-19. Ảnh do bác sĩ cung cấp. |
Đợt dịch đang bùng phát tại Việt Nam bảy ngày qua, liên quan đến vùng dịch Hải Dương và Quảng Ninh rồi bùng lên rất nhanh và nhanh chóng lan rộng, với 329 ca nhiễm ở 10 tỉnh thành, cũng do nhiễm biến thể Anh.
Ngày 1/2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM công bố kết quả giải trình tự gene "bệnh nhân 1660", 28 tuổi, nhiễm biến thể nCoV từ Anh. Chủng virus của "bệnh nhân 1660" mang 17 đột biến tiêu biểu của biến chủng B.1.1.7. Ngày 2/2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) công bố kết quả giải trình tự gene 11 bệnh nhân từ Hải Dương, Quảng Ninh chủng nCoV tương tự biến thể B.1.1.7 từ Anh.
Một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể B.1.1.7 có lượng nCoV trong cơ thể nhiều hơn. Kể từ khi xuất hiện hồi tháng 12/2020, biến thể nCoV B.1.1.7 của Anh đã lây lan ra ít nhất 70 quốc gia trên thế giới, khiến số ca nhiễm tăng đột biến.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định với các đợt dịch trước đây, các chuyên gia tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4-5 ngày, nhưng lần này chỉ 1-2 ngày. Đặc biệt, thời gian khởi phát của bệnh rất nhanh. Trước đây, dịch trước 5-7 ngày là thời gian ủ bệnh, đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ hai đã xuất hiện virus vùng hầu họng, từ đó khả năng nhân lên của virus và đào thải mầm bệnh lần này rất cao.
Ông Long lưu ý, trước đây, virus lây từ người này qua người khác, nhưng với đợt dịch này, virus lây theo đường không khí. Dẫn chứng chỉ trên một xe, 10/11 người lây nhiễm, chứng tỏ hệ số lây nhiễm rất cao. Vì vậy, phải hành động vừa nhanh vừa quyết liệt "nếu không, tốc độ lây nhiễm của virus nhanh hơn hành động của chúng ta".
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), đến nay con đường lây truyền của Covid-19 vẫn chủ yếu được ghi nhận qua hô hấp. nCoV biến chủng Anh có thể tồn tại trong không khí lâu hơn, người trong khu vực đó nếu không phòng ngừa sẽ dễ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nCoV dù biến đổi thế nào thì vẫn là virus hô hấp, vẫn bị ngăn chặn bởi lớp chắn khẩu trang.
"Khi người mắc bệnh sẽ phát tán virus với đậm độ cao hơn và lâu hơn, nhiều người mắc bệnh không có triệu chứng, để phòng bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt việc mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn", bác sĩ Khanh chia sẻ. Khi virus tồn tại trong môi trường lâu hơn, cần sát khuẩn tay, nhiệt độ từ 27 trở lên, mở cửa sổ thông thoáng.