Biết thêm về ca khúc phổ thơ vượt thời gian: Anh cho em mùa Xuân

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -Mỗi độ xuân về, khắp nơi lại vang lên những giai điệu rộn rã của ca khúc Anh cho em mùa Xuân (thơ Kim Tuấn, Nguyễn Hiền phổ nhạc). Cả thơ lẫn nhạc đều hay, tạo thành ca khúc vượt thời gian.
Nhạc phẩm Anh cho em mùa Xuân
Nhạc phẩm Anh cho em mùa Xuân

Từ bài thơ Nụ hoa vàng ngày Xuân của Kim Tuấn

Về hoàn cảnh ra đời của Anh cho em mùa Xuân, nhạc sĩ Nguyễn Hiền tiết lộ: “Ngày mùng 5 Tết năm 1962, tôi đi làm lại trong một không gian vẫn còn hơi hướm tết. Đến sở, trên bàn làm việc của tôi có một tập thơ còn thơm mùi giấy mới. Tập thơ mỏng, có tựa là Ngàn thương, gồm khoảng 40 bài của các nhà thơ Vương Đức Lệ, Định Giang, Kim Tuấn và một người nữa tôi quên tên.

Tôi lần giở, đọc lướt qua từng bài và dừng lại ở bài thơ Nụ hoa vàng ngày Xuân. Đó là một bài thơ 5 chữ đầy ắp hình tượng và rất giàu cảm xúc: “Anh cho em mùa xuân/ Mùa xuân này tất cả/ Lộc non vừa trẩy lá/ Thơ còn thương cõi đời/ Con chim mừng ríu rít/ Vui khói chiều chơi vơi/ Đất mẹ gầy có lúa/ Đồng ta xanh mấy mùa/ Con trâu từ đồng cỏ/ Khua mõ về rộn khua/ Ngoài đê diều thẳng cánh/ Trong xóm vang chuông chùa/ Chiều in vào bóng núi/ Câu hát hò vẳng đưa/ Tóc mẹ già mây bạc/ Trăng chờ trong liếp dừa/ Con sông dài mấy nhánh/Cát trắng bờ quê xưa...”.

Vậy là chỉ trong buổi sáng hôm đó tôi phổ nhạc xong bài thơ. Điều buồn cười là tôi lấy luôn 3 câu thơ đầu tiên phổ thành một câu nhạc (Anh cho em mùa Xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ...), thấy rất “ngọt” nên cứ thế mà phát triển bài thơ thành ca khúc… Sáng hôm sau có một nhà thơ còn rất trẻ, xưng tên là nhà thơ Kim Tuấn đến gặp tôi, hỏi: “Có gởi cho nhạc sĩ một tập thơ, không biết đã nhận được chưa?”. Tôi trả lời: “Nhận được rồi và riêng bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân của Kim Tuấn thì tôi đã phổ thành ca khúc”. Kim Tuấn rất ngạc nhiên và sau khi nghe tôi hát thì anh rất vui. Tình cờ ông Giám đốc Hãng đĩa Asia cũng có mặt. Ông ấy lấy bài hát giao cho ca sĩ Lệ Thanh thâu đĩa và sau đó hát trên đài phát thanh...”.

Biết thêm về ca khúc phổ thơ vượt thời gian: Anh cho em mùa Xuân ảnh 1

Nhà thơ Kim Tuấn (trái) và nhạc sĩ Nguyễn Hiền thời trẻ

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền sinh năm 1927, ông là một trong những nhạc sĩ sinh trưởng và thành danh ở Hà Nội, cùng thời với Hoàng Trọng, Hoàng Dương, Văn Phụng, Nguyễn Văn Khánh… Ông từ trần tại Hoa Kỳ ngày 23/12/2005, thọ 78 tuổi.

Đến câu chữ thăng hoa trong ca khúc của Nguyễn Hiền

Còn nhà thơ Kim Tuấn tên thật là Vĩnh Khuê, sinh năm 1940 tại Huế - ông là hậu duệ đời thứ 5 dòng Tùng Thiện vương Miên Thẩm - hoàng tử, con vua Minh Mạng. Kim Tuấn làm thơ từ những năm đầu thập niên 1960, về bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân, Kim Tuấn cho biết: “Tôi làm bài thơ này để nhớ về quê mẹ Hà Tĩnh – vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo với mơ ước “Đất mẹ gầy có lúa” – “có lúa”chứ không phải “cỏ lúa” như nhiều người vẫn hát nhầm… Nhà thơ Kim Tuấn đột ngột qua đời vào ngày 11/9/2003 bởi căn bệnh nhồi máu cơ tim, thọ 63 tuổi.

Trước đó một năm (tháng 11/2002), người viết đã có buổi phỏng vấn nhà thơ Kim Tuấn. Ông tâm sự rằng mình phải “tâm phục, khẩu phục” trước cách thay đổi chữ, không những lột tả được ý tác giả mà còn làm thăng hoa thêm câu chữ của người phổ nhạc. Chẳng hạn câu: “Bài thơ còn xao xuyến. Nắng vàng trên ngọn cây”, câu sau được sửa thành “Rung nắng vàng ban mai”, thật khó mà tìm ra được chữ nào hay hơn chữ “rung” để đi với “xao xuyến” trong câu hát ấy.

Hoặc “Con chim mừng ríu rít” được Nguyễn Hiền đổi thành “Bầy chim lùa vạt nắng”, để tương ứng với những nốt nhạc thấp cao, trầm bổng, vừa giữ được ý thơ (vẫn “nghe” được tiếng chim “ríu rít” mừng vui), vừa “thơ” hơn và giàu hình ảnh hơn. Chữ “lùa” ấy rất mới, rất thơ. Làm sao mà Nguyễn Hiền lại dùng chữ ấy chứ không phải là chữ nào khác? (“Bầy chim… đùa vạt nắng” chẳng hạn, như thế cũng là hay, nhưng không thể hay bằng “… lùa vạt nắng”).

Ngày ấy chưa ai viết những lời như thế trong thơ, trong nhạc. Mãi về sau này ta mới nghe “lùa nắng cho buồn vào tóc em” (Nắng thủy tinh, Trịnh Công Sơn). Còn nữa, những câu: “Ngoài đê diều thẳng cánh” đổi thành “Ngoài đê diều căng gió”, “Câu hát hò vẳng đưa” đổi thành “Thoảng câu hò đôi lứa”, “Trẻ đùa vui nơi nơi” đổi thành “Trẻ nô đùa khắp trời”... Trong Nụ hoa vàng ngày Xuân không có câu nào nói đến “nhạc” cả nhưng khi Nguyễn Hiền phổ nhạc thì...“Nhạc chan hòa đây đó”, rồi “Nhạc, thơ tràn muôn lối”. Vậy những câu ấy ở đâu ra, nếu không phải là… thơ của Nguyễn Hiền. Trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc. Nhạc quyện vào thơ, thơ quấn lấy nhạc. Nhạc thơ, thơ nhạc đã hòa làm một: “Anh cho em mùa Xuân. Nhạc, thơ tràn muôn lối...”.

Cuốn sách "Đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển đất nước." Ảnh: CTV/Vietnam+
Ra mắt cuốn sách của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách "Đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển đất nước" với hơn 70 bài viết, bài phát biểu, thư của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từ năm 2000 đến năm 2010, góp phần tổng kết lý luận và thực tiễn trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập.
Thí sinh tham dự kỳ thi vào trường chuyên ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Trường THPT chuyên đổi mới phương thức tuyển sinh 2025
(Ngày Nay) - Một số trường THPT chuyên trên địa bàn Hà Nội vừa công bố phương thức tuyển sinh 2025. Trong đó, Trường THPT Khoa học Tự nhiên bỏ phương thức xét tuyển thẳng, Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm đổi mới cách tính điểm xét tuyển.
Người dân và du khách tham gia chào cờ ở khu vực mốc 291/2, xã Cao Mã Pờ (Hà Giang).
Lung linh lễ hội hoa đào nơi biên cương Tổ quốc
(Ngày Nay) - Ngày 15/3, tại xã Cao Mã Pờ (huyện Quản Bạ, Hà Giang), huyện Quản Bạ phối hợp với Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ đã diễn ra Lễ hội hoa Đào năm 2025 với chủ đề “Lung linh sắc đào - Xuân về biên cương”. Đây là dịp tôn vinh vẻ đẹp rực rỡ của hoa đào Hà Giang; là cơ hội để quảng bá văn hóa, du lịch và đời sống của đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc.
Một tiết học của học sinh lớp 6/2 Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1, TP Hồ Chí Minh).
Nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, giảm nhu cầu học thêm
(Ngày Nay) - Sau một tháng triển khai, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm bước đầu tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, thói quen của cả người dạy, người học, phụ huynh và toàn xã hội với dạy thêm, học thêm.