Bình Định đã sẵn sàng là điểm đến thứ 6 dành cho du khách quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết địa phương này quyết tâm trở thành điểm đến xanh và là địa phương thứ 6 đáp ứng đủ tiêu chỉ để đón khách du lịch quốc tế.
Bình Định đã sẵn sàng là điểm đến thứ 6 dành cho du khách quốc tế

Kích hoạt du lịch xanh

Trải qua 3 đợt giãn cách kéo dài từ 2020 - 2021, Bình Định được đánh giá là điểm sáng về tốc độ phục hồi du lịch hậu giãn cách, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như các chương trình kích cầu sáng tạo và đa dạng dành riêng cho điểm đến này.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, từ cuối năm 2020, ngành du lịch Bình Định bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong 10 tháng đầu năm 2021 tỉnh chỉ đón 1,2 triệu lượt khách, giảm 36,3%, doanh thu du lịch ước đạt 1.671 tỷ đồng, giảm 39%.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định đã tham mưu cho UBND tỉnh về phương án khôi phục hoạt động du lịch tỉnh.

Vừa qua, tỉnh Bình Định có thay đổi một số biện pháp giãn cách, cho mở cửa lại hoạt động kinh doanh dịch vụ, cơ sở lưu trú, điểm tham quan du lịch trên địa bàn, đón khách từ đầu tháng 11.

Bình Định đã sẵn sàng là điểm đến thứ 6 dành cho du khách quốc tế ảnh 1

Quần thể FLC Quy Nhơn, một điểm đến thu hút du khách.

Trong 6 tháng đầu 2022, Bình Định dự kiến tổ chức đón khách quốc tế bằng việc ban hành đề án đón khách quốc tế bằng chuyến bay charter. UBND tỉnh đã có tờ trình cho Thủ tướng và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xin ý kiến.

Bộ tiêu chí về an toàn phòng chống COVID với cơ sở kinh doanh du lịch vừa được Bình Định ban hành rất quan trọng, áp dụng với cơ sở kinh doanh du lịch, với du khách đến với Bình Định. Đây cũng là chính sách được các doanh nghiệp du lịch Bình Định đang mong muốn.

Bình Định cũng đã chuẩn bị kế hoạch phục hồi ngành du lịch, phấn đấu đón từ 25.000 - 30.000 lượt khách nội địa trong dịp Tết, trong đó tập trung vào các tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam. Với phía Bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, và phía Nam khu vực từ TP.HCM ra đến Phú Yên.

Với giai đoạn 2022, nếu tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tốt, trong 6 tháng đầu năm, Bình Định sẽ tăng cường đón khách du lịch nội địa và quốc tế. Trong đó, khách du lịch quốc tế sẽ được bố trí khách thăm quan và lưu trú tại khu vực bán đảo Phương Mai gồm các quần thể nghỉ dưỡng của FLC và các resort nghỉ dưỡng cao cấp khác. Chỉ riêng khu vực này có trên 4.000 phòng lưu trú với nhiều resort 5* cao cấp, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của du khách.

Ngoài ra, Bình Định cũng đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho 95% dân số trên 18 tuổi của TP.Quy Nhơn, điều này sẽ là nền tảng để du lịch Quy Nhơn phục hồi và phát triển.

Trong năm 2022, Bình Định dự kiến đón trên 4 triệu lượt khách du lịch trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế.

Chia sẻ tại Toạ đàm “điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn” diễn ra tại FLC Quy Nhơn sáng nay, 13/11, ông Lâm Hải Giang, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế.

Theo lộ trình chung của Chính phủ sau giai đoạn thí điểm với 5 tỉnh thành về việc đón khách quốc tế, sang năm 2022 Bamboo Airways sẽ mở các chuyến bay charter hoặc nối các chuyến bay đến sân bay Phù Cát (Bình Định) để đón khách.

“Chúng tôi đã xây dựng đề án trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để Chính phủ thẩm định và cho phép. Khi xây dựng đề án, tỉnh đã tham khảo các địa phương trong cả nước, đặc biệt với các địa phương được sự cho phép của Chính phủ. Mở cửa nhưng vấn đề quan trọng phụ thuộc vào doanh nghiệp và du khách. Du khách có tới hay không khi tỉnh mở cửa, làm thế nào để khách quốc tế quay lại”, ông nêu vấn đề và cho rằng “cần tạo ra điểm đến an toàn, hấp dẫn”, ông Lâm Hải Giang nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định thêm, tỉnh sẽ phối hợp với FLC và Tổng cục Du lịch tổ chức các tọa đàm, có những hành động, tìm ra giải pháp để phá vỡ thế “đóng băng” của thị trường.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng nhấn mạnh, phục hồi các hoạt động du lịch phải thực tế, không phải khẩu hiệu. Bình Định coi doanh nghiệp là người bạn, người đồng hành, đặc biệt với FLC, Bình Định sẵn sàng đón tiếp. Bình Định phối hợp với FLC để lựa chọn khách, đầu tiên là người Việt ở nước ngoài, đón về tỉnh, thực hiện cách ly, tạo ra khởi đầu an toàn, từ đó thu hút khách. Hiện tại là mùa mưa bão thấp điểm với khách du lịch nội địa nhưng đây là thời điểm hấp dẫn, là kỳ nghỉ đông với khách quốc tế.

Ông Giang bày tỏ mong muốn nhận được những đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp tại tọa đàm và kỳ vọng sự liên kết giữa du lịch Bình Định với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ ngày được nâng lên, mối quan hệ giữa với doanh nghiệp du lịch sẽ ngày càng bền chặt, góp phần đưa du lịch Bình Định phát triển tương xứng với tiềm năng.

Ông cũng đề nghị doanh nghiệp lữ hành làm công tác truyền thông, giới thiệu sản phẩm. Như vậy, du khách mới biết và đến với tỉnh.

“Nếu đề án của Bình Định sớm được Chính phủ chấp thuận, chúng tôi cam kết chuẩn bị kế hoạch cụ thể để tăng tính khả thi của đề án, không chỉ là trên giấy. Bình Định chắc chắn rút kinh nghiệm từ cách địa phương, sự quyết tâm là có nhưng khi triển khai lại lúng túng, chưa sẵn sàng”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, hiện cả nước đang triển khai Nghị quyết 128 của chính phủ - thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, ngành du lịch đang tích cực trển khai mở cửa du lịch nội địa tiến, tới mở cửa đón khách quốc tế ở một số địa phương tiến tới mở cửa hoàn toàn du lịch đón khách quốc tế trở lại.

“Chúng tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Bình Định đã chính thức đề xuất để được cùng một số địa phương tiên phong đón khách quốc tế trong giai đoạn thí điểm”, ông Khánh nói.

Đa dạng hoá sản phẩm du lịch, mở cửa an toàn

Để kế hoạch mở cửa trở lại ngành du lịch hiệu quả, thành công, ông Nguyễn Trùng Khánh lưu ý, tỉnh Bình Định cần có những bước chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, kế hoạch đón khách quốc tế trở lại đảm bảo an toàn, thuận lợi cho khách du lịch, người lao động, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Tăng cường liên minh liên kết, phối hợp chặt chẽ trong phục hồi du lịch, trong đó có sự liên kết giữa các sở ban ngành trong tỉnh, giữa Bình Định với các địa phương khác, phát huy hiệu quả liên kết Bình Định - Hà Nội. Đặc biệt, đảm bảo hài hòa về quy định đi lại giữa các địa phương nhằm tạo điều kiện trao đổi khách an toàn, hiệu quả.

Tận dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Bình Định nên chú trọng nâng cao chất lượng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái, du lịch văn hoá để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi COVID-19. Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút du khách; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch.

Tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Phát huy hợp tác công tư, sự vào cuộc của các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn điển hình là tập đoàn FLC cho sự phát triển của du lịch địa phương.

Bình Định đã sẵn sàng là điểm đến thứ 6 dành cho du khách quốc tế ảnh 2
Các chuyên gia chia sẻ tại toạ đàm: Sự kết nối giữa các địa phương và các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để phục hồi ngành du lịch hậu covid 19.

Chia sẻ tại toạ đàm, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng Bình Định hiện đã đáp ứng được nhiều tiêu chí của du lịch không chỉ trước đại dịch COVID-19 mà còn cả sau dịch COVID-19. Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, những điểm du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, bãi biển đẹp, nền văn hóa đặc sắc là những tiêu chí được đánh giá cao. Bên cạnh đó, sau khi dịch COVID-19 bùng phát thì cần thêm tiêu chí là điểm an toàn.

Như vậy, những vùng biển không quá đông đúc mà lại có vẻ đẹp thiên nhiên là những điểm đến hàng đầu của du khách sau dịch COVID-19 mà Quy Nhơn là một trong những điểm đến nổi bật.

Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, phải kết hợp với quyết tâm của lãnh đạo địa phương thì mới phát triển thành khu vực du lịch được.

“Đối với chúng tôi một ngày yên bình là du lịch phải khởi động ngay lập tức. Chúng tôi không thể chờ đợi. Ngành du lịch phải tận dụng ở mức cao nhất có thể. Tôi thấy FLC là một điển hình, phải phát triển ngay cả khi dịch COVID vẫn còn ở Việt Nam”, ông nói.

“Theo tôi cái quan trọng nhất bây giờ là thay đổi nhận thức, không còn là sợ COVID mà phải thích ứng thể phát triển”, ông nói và cho biết thêm “đến Bình Định tôi thấy quyết tâm phục hồi du lịch của Bình Định rất mạnh mẽ. Khẩu hiểu lúc này cần thiết là “Bình thường mới, cơ hội mới”. “Tôi tin tưởng tương lai không xa Bình Định sẽ trở thành Đà Nẵng thứ hai của miền Trung”, ông Bình nhấn mạnh.

Bình Định đã sẵn sàng là điểm đến thứ 6 dành cho du khách quốc tế ảnh 3

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Sở Du lịch Bình Định và Sở Du lịch Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Bình Định đã sẵn sàng là điểm đến thứ 6 dành cho du khách quốc tế ảnh 4
Ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Sở Du lịch tỉnh Bình Định và các công ty dịch vụ và du lịch của Tập đoàn FLC.

Chia sẻ về sự chuẩn bị cho các kế hoạch kích cầu du lịch tại Bình Định, bà Nguyễn Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Sản phẩm liên kết Tập đoàn FLC kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ số FLC (FLC DigiCom) cho biết, thời gian qua FLC đã chuẩn bị nhân lực, nguồn lực để đón khách trở lại .

Theo đó, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động lưu trú đầy đủ (hệ thống villas, resort, khách sạn 5*) tập đoàn đã sẵn sàng phục vụ đón khách nội địa cũng như quốc tế.

Về dịch vụ hàng không đã có hãng hàng không Bamboo Airways phục vụ chu đáo, hiếu khách. Bên cạnh đó, mảng dịch vụ du lịch bằng du thuyền với đội ngũ du thuyền hạng sang cũng đang triển khai những gói du lịch rất đa dạng.

Ngoài ra, hệ thống trung tâm hội nghị quốc tế với sức chứa lớn sẵn sàng phục vụ hội nghị hội thảo cho khách hàng; hệ thống sân golf, du lịch giải trí ẩm thực trong các khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại Quy Nhơn đã sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu giải trí, ăn uống của khách du lịch.

Bà Nguyễn Ngọc Hoa cho biết, đại dịch COVID vừa qua khiến nhu cầu đưa an toàn cho khách du lịch được đặt lên hàng đầu. FLC đã và đang xây dựng chương trình trình du lịch xanh, từ đón khách tại sân bay và tại khu nghỉ dưỡng. FLC cũng thực hiện lá chắn bảo vệ xanh bằng cách test COVID và tiêm vaccine cho nhân viên tại quần thể.

“Với không gian rộng rãi chúng tôi đảm bảo sự giãn cách nhất định đảm bảo an toàn cho du khách. Ngoài ra chúng tôi còn lên kịch bản nâng cao ứng phó với COVID. Đây là nền tảng để FLC đáp ứng tiêu chí du lịch một điểm đến đa lựa chọn”, bà Hoa khẳng định.

Cùng với đó, FLC còn có động thái chuẩn bị kích cầu du lịch Quy Nhơn đó là đưa ra rất nhiều sản phẩm kích cầu du lịch như hàng không có thẻ bay trả trước, hay sản phẩm vé tháng của Bamboo Airways, sản phẩm nghỉ dưỡng có rất nhiều ưu đãi như gói vacation, các combo, voucher, các gói hội thảo, hội nghị đảm bảo yêu cầu 5k với các ưu đãi.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc Thường trực Bamboo Airways cũng chia sẻ, hiện tại du lịch không cần giảm giá để kích cầu, mà cần tạo sản phẩm xanh để đảm bảo an toàn. Nhu cầu lớn nhất của doanh nghiệp là phục hồi sản xuất, phục hồi sản phẩm dịch vụ, điểm đến.

Về đón du khách quốc tế, ông quân cho biết rất vui khi chính quyền Bình Định vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về bổ sung Bình Định vào điểm đến. Trước đó đã có 5 địa phương được phép đón khách quốc tế gồm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoá, Kiên Giang,

Ông Quân cho rằng, đây không chỉ là cạnh tranh điểm đến trong nước mà là cạnh tranh điểm đến ở khu vực. Hiện tại, Bamboo ký hợp đồng đến tháng 3 sang năm, đưa khách từ Đông Bắc Á, châu Âu về Phú Quốc, Nha Trang, để thay vì đi Thái Lan, Indonesia, Philippines thì họ sẽ đến Việt Nam. Ngoài ra, Bamboo Airways cũng thực hiện các chuyến bay quốc tế về Việt Nam theo hình thức combo, charter…

Gần đây, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện chuyến bay quốc tế với hộ chiếu vaccine. Phần lớn chuyến bay sau quy trình test, cách ly đều âm tính. Điều này cho thấy quy trình rất an toàn, hy hữu mới có trường hợp phát sinh.

“Sự thành công này là cơ sở để chúng ta bước vào giai đoạn mới, phục vụ nhu cầu hồi hương, du lịch vào Việt Nam. Tôi tin tưởng vào sự phục hồi trong thời gian sớm nhất”, ông Quân nói.

Bình Định đã sẵn sàng là điểm đến thứ 6 dành cho du khách quốc tế ảnh 5

TGĐ FLC đề nghị, tỉnh Bình Định cần thúc đẩy nhanh việc xin phép và được sự phê duyệt, công nhận Bình Định là điểm đến xanh, càng sớm càng tốt.

Theo TGĐ Tập đoàn FLC, bà Bùi Hải Huyền, hiện Tập đoàn FLC đang có hệ sinh thái cung cấp các sản phẩm du lịch xanh và cam kết sẽ góp phần Bình Định trở thành điểm đến xanh, an toàn, hấp dẫn.

“Tập đoàn FLC cam kết luôn tuân thủ quy định hướng dẫn đón khách nội địa và quốc tế theo hướng dẫn các cơ quan liên quan. Cũng như, liên tục đào tạo, nâng cao năng lực, cung cấp dịch vụ an toàn và khả năng đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra. FLC cũng đã và đang nỗ lực hỗ trợ tiêm chủng vaccine. Hiện toàn bộ nhân viên, nhà thầu và cả người dân lân cận các quần thể của FLC đều đã tiêm vaccine. Tập đoàn FLC đã xây dựng được chương trình khép kín, an toàn đầy đủ các dịch vụ phù hợp với các khách du lịch quốc tế và kiến nghị lên các địa phương sớm nghiên cứu ban hành hướng dẫn FLC để tập huấn, sẵn sàng đón khách du lịch ngay khi Bình Định được công nhận là điểm đến xanh”, bà Huyền cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.