Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình các nội dung môn học, hoạt động giáo dục với thời lượng hợp lý theo các văn bản hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học của Bộ.
Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường thì phải triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lí thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập.
Các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 thì cần tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi địa phương có thể tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần; chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông để tổ chức triển khai dạy học trực tuyến khi cần thiết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn số 3969/BGDĐT-GDTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19.
Trên cơ sở hướng dẫn tại công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các nhà trường tăng cường hình thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện thực tế.