Liên quan đến việc nhà đầu tư “dọa” đóng đường Hòa Lạc-Hòa Bình, Bộ Giao thông Vận tải vừa có yêu cầu không tự ý dừng phục vụ phương tiện lưu thông trên tuyến đường này trong quá trình bảo trì công trình dự án khi chưa được Bộ chấp thuận.
Theo đó, dự án này đã dược Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 10/10/2018. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì công trình dự án trong quá trình khai thác (nêu tại Hợp đồng 06/HĐ.BOT-BGTVT ngày 10/2/2015) và không tự ý dừng phục vụ phương tiện lưu thông trên tuyến đường này trong quá trình bảo trì khi chưa được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.
“Liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ngày 29/3; hoàn thiện các thủ tục đáp ứng điều kiện thu phí về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Km17+100 tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình để sớm triển khai thu phí,” Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho hay.
Trước đó, Tổng công ty 36 (nhà đầu tư dự án) thông báo sẽ tạm dừng phục vụ đối với các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình kể từ 0 giờ ngày 15/4 tới đây.
Lý do được nhà đầu tư đưa ra đó là theo hợp đồng BOT đã ký, tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ được đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 31/10/2018 và bắt đầu thu phí từ ngày 1/11/2018.
“Việc chậm thu phí tới hơn 5 tháng so với thời gian quy định trong hợp đồng BOT cùng với sự sụt giảm doanh thu thu phí nên ngân hàng cho vay vốn là SHB đã tạm dừng giải ngân cho vay từ đầu tháng 2/2018. Do đó, doanh nghiệp dự án không có đủ nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng tuyến đường,” ông Trần Văn Phòng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc-Hòa Bình nhấn mạnh.
Đại diện Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, nhà đầu tư dự án BOT Quốc lộ 6 và tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình chưa hoàn thành cam kết theo yêu cầu của dự án nên chưa được phép thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án, tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt bổ sung kinh phí đền bù của 4 hộ dân với giá trị hơn 7,8 tỷ đồng. Thời gian qua, tỉnh đã nhiều lần đề nghị nhà đầu tư chuyển kinh phí cho địa phương để chi trả cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư dự án vẫn chưa hoàn thành yêu cầu đề ra.
“Theo báo cáo của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chưa thực hiện việc chuyển kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng còn lại cho địa phương do ngân hàng SHB (ngân hàng cho vay vốn tín dụng) chưa chấp thuận giải ngân vì hết thời hạn rút vốn,” đại diện Vụ Đối tác công tư cho hay.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình ngày 22/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu nhà đầu tư phải có cam kết cụ thể về thời hạn chuyển kinh phí giải phóng mặt bằng và đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục ủng hộ, xem xét có ý kiến thống nhất để sớm triển khai thu phí dự án./.