Thông tin cho thấy, khoảng năm 2015, xã Cổ Dũng (huyện Kim Thành, xã nằm sát nách nhà máy xử lý rác) xuất hiện thêm nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư hiểm nghèo như ung thư hạch, gan, dạ dày…
Ban đầu, những người mắc bệnh ở độ tuổi trên 60, dân làng mặc nhiên nghĩ họ chết vì tuổi già. Sau đó, nhiều thanh niên trong độ tuổi 20 – 25 tuổi cũng mắc ung thư. Từ đó, cái tên “làng ung thư” luôn ám ảnh người dân các thôn của xã này.
Phía địa phương xác nhận, số lượng người mắc bệnh và điều trị ung thư ở Cổ Dũng luôn ở ngưỡng trên 30 bệnh nhân. Mỗi năm, các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối qua đời lại tiếp tục có thêm bệnh nhân mới thay thế…
Khi đặt vấn đề về việc chỉ trong một xã mà mỗi năm duy trì hàng chục người mắc bệnh ung thư, ông Hùng phân trần: “Nguyên nhân do đâu, tôi không dám khẳng định, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng do vấn đề ô nhiễm môi trường, khói bụi, nguồn nước ngầm bị đầu độc”.
Trước những vấn đề đặt ra, ông Lê Vũ Tuấn Anh- Phó Chánh Thanh Tra Bộ TNMT cho rằng - nhà máy xử lý rác Việt Hồng nằm trong thẩm quyền quản lý của Sở TNMT Hải Dương, đơn vị này phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy. Ông Tuấn Anh khẳng định: Khi nhận được thông tin, chúng tôi sẽ yêu cầu địa phương rà soát, kiểm tra và yêu cầu địa phương sớm báo cáo lại.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng khẳng định đã nắm bắt được thông tin và sẽ phối hợp với địa phương để rà soát, xử lý. “Việc thuộc trách nhiệm địa phương thì sẽ yêu cầu địa phương xử lý. Nếu địa phương không xử lý dứt điểm thì Bộ vào cuộc xử lý”, ông Thịnh nói.
Theo nội dung trọng tâm trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, Thanh tra Bộ TNMT sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: TPHCM, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước, An Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ngãi.