Nam Định: Bố trí tàu, ca nô, xe ô tô và huy động hàng trăm chiến sĩ sẵn sàng cứu hộ
Để phòng tránh thiệt hại do cơn bão số 3, tỉnh Nam Định đã hoàn thành kêu gọi tàu thuyền, đưa nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Đến 15h chiều 2/8 trên 2.100 tàu thuyền với hơn 6.000 lao động của tỉnh Nam Định đã vào nơi neo đậu an toàn |
Nam Định cũng đã cấm biển, kêu gọi và quản lý người dân trên các lều, chòi canh coi thủy sản vào đất liền trước 9h sáng 2/8, đồng thời cấm tất cả hoạt động vui chơi trên bãi biển từ 15h cùng ngày.
Các điểm neo đậu tàu thuyền tránh bão chật kín |
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đến 15h chiều 2/8 trên 2.100 tàu thuyền với hơn 6.000 lao động của tỉnh đã vào nơi neo đậu an toàn. Hơn 1.000 lều, chòi nuôi ngao với trên 1.300 lao động và nhân dân vùng cửa sông, ven biển cũng đã vào nơi tránh trú bão.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền bào bờ trước khi bão số 3 đổ bộ |
Hiện nay, Nam Định còn nhiều vị trí đê, kè xung yếu đã bị sạt, sụt trong những trận mưa bão trước, do đó các địa phương trong tỉnh Nam Định đã chuẩn bị 42.495 m3 đá hộc, hơn 4.000 rọ thép, gần 690.000 bao nilon, 689.813 bao nilon; 247.288 m2 bạt chống tràn để gia cố đê, kè khi cần thiết.
Để sẵn sàng các phương án cứu hộ cứu nạn, giúp dân phòng chống khi bão đổ bộ vào bờ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã bố trí 3 tàu, 12 ca nô, xuồng máy, 15 xe ô tô cùng hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ; ngành giao thông chuẩn bị 20 xe ô tô; 2 sà lan tự hành, 1 máy xúc. Ban chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị 30 xe ô tô, 17 xuồng các loại, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi bão đổ bộ vào bờ.
Ngư dân xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, vác cọc tre gia cố lại lồng bè trên các khu vực nuôi trồng thủy hải sản |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu, các địa phương, đơn vị tập trung triển khai các biện pháp ứng phó bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thanh Hóa: Bão chưa vào, đã có thiệt hại về người và tài sản
Do ảnh hưởng mưa bão số 3, những ngày qua trên địa bàn nhiều huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa xảy ra sạt lở đất, lốc kèm theo mưa lớn, gây thiệt hại về người tài sản của nhân dân.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tại huyện biên giới Mường Lát, mưa lớn gây sạt lở đất khiến anh Vàng A Lâu (SN 1986, thôn Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát) tử vong.
Mưa lớn gây sạt lở tại xã Mường Lý, huyện Mường Lát khiến 1 người tử vong. |
Tại huyện Quan Hóa, lốc kèm theo mưa lớn đã gây thiệt hại cho 18 nhà dân, 1 điểm trường mầm non xã Phú Sơn và nhiều diện tích luồng của người dân...
Còn tại huyện Quan Sơn, mưa lớn kèm theo gió lốc cũng đã khiến 16 nhà bị thiệt hại.
Nhiều nhà dân tại huyện Quan Hóa bị hư hỏng. |
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai; chỉ đạo các đoàn thể huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình có nhà bị thiệt hại dọn dẹp, tu sửa nhà bị hư hỏng.
UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với chính quyền địa phương đến chia buồn, động viên gia đình có người chết do thiên tai; đồng thời hỗ trợ gia đình số tiền 5,4 triệu đồng theo quy định.
Một số điểm trường cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lớn kèm gió lốc. |
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 3, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ các cấp, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để tham gia khi có lệnh điều động.
Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cửu nạn tỉnh.
Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. |
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã cử 27 cán bộ trực tiếp xuống các địa phương để nắm bắt tình hình; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu (240 cán bộ, chiến sĩ, 1 xe tải, 2 xe ô tô chở quân).
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập 4 đoàn công tác trực tiếp xuống các huyện, thành phố ven biển để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu (60 cán bộ, chiến sĩ, 4 xe chỉ huy, 6 xe ô tô con, 2 xe tải, 1 xe ô tô chở quân và 1 xe cứu thương).
Hàng chục ngôi nhà của người dân tại các huyện miền núi bị thiệt hại. |
Công an tỉnh đã cử 51 cán bộ trực tiếp xuống các địa phương để nắm bắt tình hình; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu (182 cán bộ, chiến sĩ, 1 xe ô tô chở quân, 5 xe tải, 4 xuồng máy, 4 mô tô nước, 340 phao tròn và 2 bộ thiết bị lặn).
Đến chiều ngày 2/8, Thanh Hóa vẫn còn 2 phương tiện và 19 lao động đang hoạt động trên biển. |
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tính đến 14h ngày 2/8 đã có 7.293 phương tiện/25.568 lao động vào nơi tránh trú an toàn; hiện còn 2 phương tiện/19 lao động đang hoạt động trên vùng biển Bình Định - Đà Nẵng đã nắm được thông tin về bão và thường xuyên giữ liên lạc với bờ.