Thị trưởng London Sadiq Khan nhận định mức thâm hụt có thể lên tới 10% vào năm 2035.
Ông Khan, một thành viên của Công Đảng, đã bỏ phiếu chống lại Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, đưa ra tuyên bố của mình dựa trên một báo cáo mà ông ủy quyền từ các nhà tư vấn kinh tế Cambridge Econometrics. Báo cáo đã ước tính nền kinh tế Vương quốc Anh sẽ phát triển nhanh như thế nào nếu nước này bỏ phiếu ở lại EU.
“Rõ ràng là Brexit không hiệu quả. Phiên bản Brexit cứng rắn mà chúng ta gặp phải đang kéo nền kinh tế của chúng ta đi xuống và đẩy chi phí sinh hoạt lên cao”, ông Khan chỉ ra.
Công Đảng đang dẫn trước Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak trước cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công Đảng Keir Starmer tỏ ra thận trọng khi đưa ra thông tin chi tiết về cách ông sẽ tăng cường quan hệ với EU.
Ước tính của Cambridge Econometrics về tổn thất của Brexit cao hơn một số ước tính gần đây khác.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh (NIESR) hồi tháng 11 ước tính rằng Brexit đã làm giảm quy mô nền kinh tế từ 2% -3%, với tác động dự kiến sẽ tăng lên 5-6% vào năm 2035.
Jonathan Haskel, nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Anh, ước tính vào năm ngoái rằng Brexit đã gây thiệt hại đến đầu tư kinh doanh đủ để khiến GDP giảm 1,3% vào cuối năm 2022 - tương đương 1.000 bảng Anh mỗi hộ gia đình mỗi năm.
Cambridge Econometrics cho biết Brexit dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở Anh 0,4 % từ nay đến năm 2035, giảm 3 triệu việc làm vào năm 2035 và giảm 1/3 mức đầu tư.
Việc đánh giá tác động của Brexit đã trở nên phức tạp do đại dịch COVID-19 chỉ vài tháng sau khi Anh chính thức rời EU vào tháng 1 năm 2020.
Số lượng người di cư ròng sang Anh đã tăng vọt do hệ thống thị thực lao động mới đã dẫn đến sự gia tăng lớn về số lượng người nhập cư vào Anh từ bên ngoài EU, vượt xa sự sụt giảm về số lượng người nhập cư từ EU mà trước đây không cần thị thực.