Ngày 3.4, Sở TN-MT TP.HCM cho biết qua giám sát, đo đạc tại hiện trường từ ngày 1.4 - 2.4, trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Sở đã phát hiện có xuất hiện tình trạng cá ngoi lên mặt nước và chết rải rác, khoảng từ vài chục đến vài trăm kg, tập trung chủ yếu ở đoạn từ cầu số 1 đến cầu Lê Văn Sỹ.
Ghi nhận thực tế trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhiều đoạn có nhiều rác thải, đặc biệt rác dày đặc tại khu vực cầu số 1. Bên cạnh đó khu vực từ cầu số 1 đến cầu số 5 có nhiều mảng bùn đen nổi trên bề mặt, có bọt khí nổi lên. Kết quả quan trắc (đo nhanh tại hiện trường) trong 2 ngày giám sát cho thấy: nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tại một số vị trí giám sát không đạt quy chuẩn về chất lượng nước mặt.
Nguyên nhân gây ra tình trạng cá ngoi lên mặt nước và chết rải rác, theo đánh giá của Sở TN-MT TP.HCM, là do cơn mưa lớn đầu mùa ngày 31.3 vừa qua mang theo rác từ khu vực dân cư xung quanh, cộng nước, bùn từ các tuyến cống đổ vào kênh và các hơi khí độc tích tụ lâu ngày thoát ra từ lớp bùn sâu dưới đáy kênh gây ô nhiễm nước kênh, dẫn đến nồng độ DO trong nước suy giảm.
Bên cạnh đó, mưa lớn cuốn theo nhiều rác tích tụ số lượng lớn tại hệ thống chắn rác của hố thu nước (cầu số 1) gây tắc nghẽn dòng chảy làm cho nước khu vực này bị tù đọng, ô nhiễm cục bộ. Khi thủy triều xuống, các chất ô nhiễm, rác thải và xác cá chết theo dòng chảy ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước từ khu vực cầu số 1 đến cầu Lê Văn Sỹ.
Nhằm phòng ngừa, ứng phó tình trạng cá chết cũng như cải thiện chất lượng môi trường nước trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Sở TN-MT TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan, UBND các quận: Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, 1, 3 (địa bàn dọc tuyến kênh) tiếp tục có những giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung tỉa thưa đàn cá, vận hành hợp lý các cống ngăn triều, vớt rác, nạo vét tuyến kênh và hệ thống cống thoát nước đổ vào kênh…
Tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước đây vốn là dòng “kênh chết”, ô nhiễm môi trường trầm trọng. Từ 2002, TP.HCM khởi động và đến 2012 hoàn thành dự án cải thiện vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 8.600 tỉ đồng, trong đó hơn 1.600 tỉ đồng chi phí bồi thường giải tỏa hơn 7.000 hộ dân với gần 50.000 người. Khi dự án hoàn thành, TP.HCM tái tạo nguồn lợi thủy sản trên kênh thông qua việc thả cá thường niên.
Theo Thanh Niên