Thông tin trên được Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ khi trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều nay (6/11).
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, bốn công ty lớn như Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD, nhưng chưa đóng thuế. Quy định pháp luật liên quan hiện mới xử phạt mang tính răn đe, chưa xử phạt dựa trên doanh thu. Theo đó, nếu phạt 100 triệu đồng (khoảng 5.000 USD) với cá nhân, doanh nghiệp nhỏ là số tiền lớn, nhưng với doanh nghiệp hàng chục tỷ USD thì lại là số tiền quá nhỏ.
"Nhiều nước đã áp dụng xử phạt trên doanh thu với các nền tảng xuyên biên giới. Ví dụ 4% doanh thu, thì với Facebook mức phạt sẽ là 1 tỷ USD", Bộ trưởng cho biết.
Bài học ở đây, theo Bộ trưởng Hùng, là quy trình, hành vi, vi phạm pháp luật phải rõ ràng trong hoạt động pháp luật, mức phạt phải có tính răn đe và có công cụ phát hiện tự động và quản lý bằng công nghệ. Sau đó là thực thi nghiêm minh dù là nước ngoài hay trong nước.
Không chỉ các đại gia công nghệ, vấn đề thu thuế các doanh nghiệp đa quốc gia cũng được đặt ra với các nền tảng khác. Cuối tháng 10, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, đang sử dụng biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền để thống kê doanh thu Netflix phát sinh từ khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam năm 2016 nhằm truy thu thuế.
Theo ông Cường, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực nên các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh có thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động trên mạng phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, họ phải có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan thuế những dữ liệu này để quản lý thuế.