Bắt đầu mở cửa từ ngày mùng 2 Tết, đến nay Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã đón khoảng 5 vạn lượt khách. Trong Tết năm nay, lần đầu tiên, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu tới du khách bộ phim 3D tái hiện nghi lễ Chính đán thời Lê, với lễ thiết triều đầu tiên của năm mới, thể hiện mong muốn một năm quốc thái, dân cường.
Bên cạnh đó, khách tham quan đến với khu di sản Hoàng Thành Thăng Long được hòa mình trong không gian phong tục Tết truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, du khách cũng có thể tham quan di tích cách mạng Nhà D67 và Hầm D67 nằm ở khu A Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, trong khuôn viên di tích nền điện Kính Thiên.
Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là một trong những điểm di tích thu hút đông khách tham quan, trải nghiệm trong kỳ nghỉ Tết. Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thông tin, tính trong 4 ngày nghỉ Tết (từ mùng 1 đến mùng 4 tháng Giêng), Khu di tích quốc gia đặc biệt này đã đón khoảng 90.000 lượt khách tham quan.
Đặc biệt, từ ngày mùng 1 Tết, lượng khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám xếp hàng mua vé khá đông. Người dân và du khách đến Văn Miếu không chỉ tham quan, cầu mong cho việc học hành hanh thông mà còn được trải nghiệm các hoạt động triển lãm, xin chữ đầu năm tại Hội chữ Xuân.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, mặc dù lượng khách đông nhưng đến nay, công tác tổ chức của Văn Miếu khá tốt, du khách khá hài lòng về các hoạt động trải nghiệm.
Tại Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, 4 ngày nghỉ lễ, ước đón hơn 1,5 vạn khách, Thành cổ Sơn Tây và phố đi bộ đón khoảng 2,5 vạn khách, trong đó có 600 lượt khách nước ngoài. Đáng chú ý, trong ngày mùng 1 Tết, Làng cổ Đường Lâm đã đón 36 vị khách từ Đan Mạch và Na Uy "xông đất".
Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, các homestay ở Làng cổ Đường Lâm đều kín khách quốc tế và khách miền Nam lưu trú. Trong dịp Tết, Làng cổ Đường Lâm tổ chức các trò chơi dân gian tại cổng làng và đình làng; nhiều không gian sáng tạo, điểm chụp ảnh check-in được tổ chức tại các điểm di tích, nhà cổ để thu hút du khách. Khu vực Thành cổ Sơn Tây trưng bày sinh vật cảnh với hơn 400 tác phẩm và hơn 60 bức ảnh nghệ thuật; tổ chức các giải đá cầu, kéo co, cờ người..
Tại Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, từ ngày mùng 2 Tết, mỗi ngày chùa Hương đón hàng vạn lượt khách.
Trưởng ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết, mặc dù ngày mùng 6 tháng Giêng mới là ngày khai hội nhưng từ trong Tết, khách đến chùa Hương đi lễ và trẩy hội đã rất đông. Đến nay, công tác tổ chức vẫn bảo đảm đáp ứng lượng khách dự hội, không có hiện tượng chèo kéo, dẫn khách từ xa như nhiều năm trước.
Để chuẩn bị công tác Lễ khai hội chùa Hương vào ngày mùng 6 Tết Giáp Thìn, Sở Văn hóa và Thể thao đã cử đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho khai mạc Lễ hội chùa Hương. Theo đánh giá, công tác chuẩn bị cho Lễ khai mạc cơ bản đúng quy định. Sở Văn hóa và Thể thao đã đề nghị Ban tổ chức lễ hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có nhiều phương án xử lý khi có người dự hội đông nhằm đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.