Bài báo cho biết rằng các thử nghiệm sớm nhất, được tiến hành trên động vật - bao gồm linh trưởng, chuột đồng và chuột chuyển đổi gen, cho thấy 100% hiệu quả bảo vệ chống lại COVID-19. Dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên dự kiến sẽ có trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11, nhưng kết quả ban đầu truyền cảm hứng cho sự lạc quan, theo đánh giá của một số chuyên gia y tế.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet xác nhận quan điểm rằng việc sử dụng virus adeno trong vaccine là một phương pháp an toàn, cung cấp phản ứng miễn dịch vững chắc trước SARS-CoV-2 ở những người được tiêm chủng, Giáo sư Ian Jones - nhà virus học tại Đại học Reading cho biết.
Việc sử dụng virus adeno làm vectơ chở theo SARS-CoV-2 để hệ thống miễn dịch của con người ghi nhớ mầm bệnh có thể tỏ ra không hiệu quả nếu bệnh nhân cũng phát triển miễn dịch chống lại virus adeno, khiến tác dụng của vaccine sẽ biến mất sau một hoặc hai năm.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Muhammad Munir từ Đại học Lancaster khẳng định Sputnik V không có nhược điểm như trên, vì vaccine Nga sử dụng hai loại virus adeno khác nhau trong hai mũi tiêm cần thiết để tăng cường khả năng miễn dịch COVID-19 của cơ thể.
"Dữ liệu được công bố về các thử nghiệm ban đầu của Sputnik V đã chứng minh rằng vaccine này có hiệu quả và việc sử dụng nó không dẫn đến tác dụng phụ bất lợi", Nadey Hakim, phó chủ tịch Học viện Khoa học Y tế Quốc tế và phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Anh ở London, tuyên bố.
Ông Hakim nói thêm rằng điều này không có gì ngạc nhiên vì sử dụng virus adeno là một công nghệ nổi tiếng và được nghiên cứu, cả ở Nga và nước ngoài.
"Nga vẫn là một trong những nước đi đầu trong công nghệ vaccine, với nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các loại thuốc tương tự, hy vọng rằng Sputnik V sẽ sớm được cung cấp cho phần còn lại của thế giới để đại dịch chấm dứt càng sớm càng tốt."