Theo Thụy Điển, cuộc bỏ phiếu ban đầu được lên kế hoạch vào tuần tới nhưng đã bị lùi lịch và dự kiến sẽ diễn ra tại "một cuộc họp sau này" của Hội đồng EU. Thụy Điển không nêu thời điểm cụ thể.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Volker Wissing tuần trước cho biết Berlin sẽ không ủng hộ đề xuất của EU cấm bán ô tô mới sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2035. Đức muốn cơ quan hành pháp của EU đảm bảo rằng lệnh cấm này sẽ có sự miễn trừ đối với các ô tô chạy bằng nhiên liệu tổng hợp.
Nhóm đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) theo đường lối bảo thủ - đảng lớn nhất trong Nghị viện Châu Âu (EP), cũng phản đối lệnh cấm và kêu gọi các nước thành viên EU hành động tương tự. Trong tuyên bố cùng ngày, EPP cho rằng lệnh cấm bán ô tô động cơ đốt trong sẽ cản trở nỗ lực đổi mới và không giúp làm giảm lượng khí thải. Tuyên bố nhấn mạnh việc cấm động cơ đốt trong sẽ làm tăng giá bán ô tô mới, mất đi hàng nghìn việc làm và dẫn đến sự suy giảm của ngành công nghiệp cốt lõi của châu Âu.
Năm ngoái, các nhà lập pháp và các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ buộc các nhà sản xuất ô tô đến năm 2030 phải giảm 55% lượng khí thải tạo ra từ các ô tô mới, so với mức của năm 2021, và giảm hoàn toàn khí thải vào năm 2035. Thỏa thuận là một phần nỗ lực của khối nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Một số quốc gia, trong đó có Đức, đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) miễn trừ các ô tô sử dụng nhiên liệu điện tử. Những nước này cho rằng nhiên liệu điện tử có thể được sản xuất bằng năng lượng tái tạo và carbon thu được từ không khí, do đó sẽ không thải thêm khí thải gây biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Volker Wissing cho biết EC đã không đưa ra đề xuất miễn trừ nên Đức sẽ không ủng hộ lệnh cấm.