Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc, cả Mỹ, Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh đã thống nhất chống lại việc thành lập một quỹ mới trong năm nay để giúp các quốc gia đang phát triển phục hồi sau thảm họa khí hậu.
Erin Roberts, một nhà nghiên cứu chính sách khí hậu và là người sáng lập Tổ chức Hợp tác về Tổn thất và Thiệt hại, cho biết việc phát triển quỹ tổn thất và thiệt hại là một vấn đề quan trọng tại COP27 và là “phép thử cho sự thành công” của hội nghị thượng đỉnh.
Chỉ còn 3 ngày đàm phán, cảm giác thất vọng đang lan rộng khắp thị trấn nghỉ mát Sharm el-Sheikh (Ai Cập) bên bờ Biển Đỏ, nơi hội nghị COP27 đang diễn ra. Các nhà hoạt động vì môi trường đang tổ chức các cuộc biểu tình hàng ngày và ngày càng tỏ ra phẫn nộ. Hôm thứ Bảy tuần trước, hàng trăm người đã diễu hành qua địa điểm tổ chức hội nghị COP27, yêu cầu các nước phát triển cùng nhau hành động và “trả giá”.
Nhưng thông điệp đó không giúp tạo ra sự đột phá trong các cuộc đàm phán cấp cao.
Phía Liên minh châu Âu cho rằng không nên có thỏa thuận ràng buộc về một quỹ tổn thất và thiệt hại mới, trước khi các chi tiết về cách thức hoạt động của nó được thống nhất.
Tương tự, chính phủ Vương quốc Anh đã đệ trình một tài liệu tới hội nghị nói rằng họ muốn thiết lập một “quy trình” để đưa ra một giải pháp cụ thể chậm nhất là vào năm 2024.
Các quan chức chính phủ Mỹ chỉ cam kết thảo luận về tổn thất và thiệt hại, nhưng không đi xa hơn để giải thích họ sẽ chi tiền cho loại quỹ nào. Phía Washington cũng coi năm 2024 là hạn chót cho một thỏa thuận về tổn thất và thiệt hại, nhưng không ủng hộ các đề xuất được đưa ra cho đến nay, lo ngại rằng nó có thể khiến các quốc gia phát triển phải chịu trách nhiệm pháp lý trong những năm tới.
Trước thực trạng các nước phát triển muốn trì hoãn chi tiền, nhiều quốc gia đang phát triển không tránh khỏi thất vọng về cam kết chống biến đổi khí hậu.
“Tôi không muốn tay trắng rời COP27”, Bộ trưởng Môi trường Maldives Shauna Aminath, cho biết.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU lo ngại rằng họ sẽ không thể thông qua khoản tài trợ cho hoạt động chống biến đổi khí hậu thông qua các cơ quan lập pháp trong nước.
Nhưng bà Aminath không tin rằng việc các nước phương Tây tỏ ra miễn cưỡng khi phải đóng góp ngân sách vào quỹ tổn thất và thiệt hại là do thiếu thốn tài chính.
"Chúng ta có thể thấy rằng hàng nghìn tỷ đô la đã được huy động để giải quyết tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong đại dịch và hàng nghìn tỷ đô la khác được chi để giúp đỡ Ukraine", vị quan chức của Maldives chỉ ra.