Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết trong ngày 1/10 có khoảng 10.000 lượt người; trong 2 ngày 2-3/10 có thêm 24.000 lượt người đi qua các chốt cửa ngõ để về các tỉnh. Trong đó có khoảng 18.000 lượt là người dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Theo Thượng tá Trần Thanh Giang, , lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt chặn cửa ngõ đã hướng dẫn người dân về quê đi theo đoàn, không đi riêng lẻ; đồng thời liên hệ với lực lượng chốt trạm các tỉnh lân cận tiếp nhận, hướng dẫn để bà con di chuyển an toàn.
Ngồi chờ tỉnh An Giang bố trí vào khu vực tiếp nhận tạm thời để làm các thủ tục khai báo y tế theo quy định, anh Thạch Sơn (quê huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cùng vợ và con trai dường như đuối sức sau chặng đường dài từ huyện Củ Chi về An Giang.
Anh Sơn cho biết hơn 3 tháng nay, công ty đóng cửa vì dịch COVID-19, vợ chồng anh thất nghiệp, trong khi đó, tiền ăn uống, điện nước vẫn phải chi trả. Vì thế, cả gia đình chọn về quê để giảm bớt gánh nặng.
Theo thống kê sơ bộ, tính từ ngày 1 đến sáng 4/10, tại chốt kiểm soát dịch COVID-19, đặt trên Quốc lộ 91 của thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đã tiếp nhận hơn 27.000 người dân tự phát về quê bằng phương tiện xe máy.
Tỉnh An Giang đã khẩn trương thành lập "Tiểu ban Tổ chức tiếp nhận người dân lao động tự do về quê", phối hợp các địa phương trong tỉnh tổ chức tiếp nhận, test nhanh, sàng lọc ban đầu và đưa về cách ly theo địa chỉ thường trú, nhằm giảm áp lực, hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đến sáng 4/10, tỉnh đã tiếp nhận người dân qua chốt kiểm soát vào tỉnh khoảng trên 27.000 người, các địa phương trong tỉnh đã đón về trên 15.000 người.
Qua báo cáo của 7/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong số người đã tiếp nhận về các địa phương đã ghi nhận 80 trường hợp có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2, có 50 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
“Nếu công tác quản lý các trường hợp người dân từ TP HCM và các tỉnh lân cận tự phát về quê tại các địa phương không chặt chẽ thì nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát trong cộng đồng là rất cao”, ông Lê Văn Phước nhận định.
Trên chiếc xe máy, anh Huỳnh Kim Can cùng vợ (đang mang thai trên 35 tuần) và con gái hơn 2 tuổi trở về Đồng Tháp sau nhiều tháng bị kẹt ở TP HCM.
“Vợ chồng tôi làm công nhân. Dịch bệnh nên suốt 4 tháng nay, chúng tôi mất việc làm, không có thu nhập. Tiền tiết kiệm cũng đã tiêu hết nên phải về quê. Về tới địa phương, tôi khai báo y tế, được xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và cách ly theo quy định”, anh Can nói.
Trong đó, tỉnh tiếp đón hơn 19.000 người Đồng Tháp; trên 68.000 người ở tỉnh khác di chuyển ngang tỉnh Đồng Tháp. Riêng ngày 4/10, có hơn 8.000 người dân Đồng Tháp từ các tỉnh, thành phố tự phát trở về quê.
Cũng khoảng thời gian từ 1-4/10, tỉnh Đồng Tháp đã tiếp đón gần 87.800 người dân tự phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Long An và các tỉnh khác về hoặc đi ngang qua Đồng Tháp.