Quảng Trị sơ tán hơn 36.000 người dân
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, đến 17 giờ chiều ngày 14/11, toàn tỉnh đã hoàn tất sơ tán, di dời 12.528 hộ dân với 36.392 nhân khẩu đến nơi an toàn, tổ chức chằng chống và gia cố trên 3.000 nhà dân.
Tại huyện đảo Cồn Cỏ, chính quyền địa phương đã đưa 189/233 người sinh sống trên đảo vào hầm trú ẩn an toàn. Toàn tỉnh có 2.312 chiếc tàu thuyền với 7.163 thuyền viên đều đã nhận được thông tin về diễn biến và hướng di chuyển của bão số 13, có thông tin liên lạc thường xuyên và đã được kêu gọi về các nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, có 36 chiếc tàu ngoại tỉnh và 19 chiếc tàu hàng với 162 thuyền viên đang neo đậu tại Cảng Cửa Việt và Âu tàu đảo Cồn Cỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng kiểm tra tình hình ứng phó với bão số 13 tại các địa phương. Ảnh: Báo Quảng Trị |
Đối với các khu vực tàu thuyền neo đậu tránh trú bão, đề nghị lực lượng chức năng cần nhắc nhở, kiên quyết không để lại người dân trên tàu, thuyền, lồng bè. Đối với khu vực miền núi, cần tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân không được chủ quan, qua lại những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất ngay cả sau thời điểm bão xảy ra. Chính quyền các địa phương cần chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho những nơi tránh trú và có phương án đảm bảo hậu cần tại chỗ trong trường hợp người dân phải ở lại dài ngày.
Từ chiều tối ngày 14/11, thành phố Huế, thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền đã cơ bản hoàn thành công tác sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn với hơn 4.500 hộ.
Đoạn đường QL 49 từ Phú Vang đi qua các xã Hương Phong, Hải Dương thuộc TX Hương Trà nước ngập sâu. Cơ quan chức năng đã dùng rào chắn và bảng hiệu thông báo cấm phương tiện, người qua lại. Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế |
Đối với các hộ dân tại các khu vực thấp trũng, hộ neo đơn, già yếu, nhà không kiên cố, Ban Chỉ huy Công an TP. Huế huy động lực lượng, phương tiện tổ chức rà soát, hỗ trợ người dân giằng chống nhà cửa, di dời các hộ dân đến nơi an toàn, đồng thời, yêu cầu người dân không nên ra đường sau 12 giờ ngày 14/11 cho đến khi bão tan.
Từ đầu giờ chiều, nhiều tuyến đường trên toàn thành phố gần như vắng bóng người. Đa số người dân ý thức và chủ động ở nhà. Trong khi đó, nhiều cửa hàng, quán sá cũng tranh thủ thời gian “vàng” để giằng chống nhà cửa. Với nhiều gia đình ở vị trí mặt tiền, cơ sở kinh doanh có hệ thống cửa kéo bằng nhôm hoặc kính cỡ lớn, đã sử dụng các thanh sắt để gia cố, hạn chế rủi ro có thể xảy ra khi bão đổ bộ.
Nhiều huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh cũng đã có biện pháp, kêu gọi người dân hạn chế ra đường. Một số tuyến đường thấp trũng, nước đang dâng cũng được gắn biển báo ngăn cấm người và phương tiện qua lại.
Quảng Nam khẩn trương di dời người dân khỏi các điểm sạt lở
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đến chiều tối ngày 14/11, toàn tỉnh đã sơ tán 23.687 hộ với 71.840 người dân đến nơi an toàn trước bão.
Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) tăng cường công tác ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại do bão số 13, đảm bảo duy trì cấp điện.
Lực lượng biên phòng và dân quân đưa người già yếu ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành) đi tránh bão. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Hiện toàn tỉnh có 13/17 hồ chứa vừa và lớn đã đầy nước (Đá Vách, Nước Rôn, Thái Xuân, Phước Hà, Cao Ngạn, Đông Tiển, An Long, Hố Giang, Hương Mao, Cây Thông, Phú Lộc, Thạch Bàn, Khe Tân), 4 hồ còn lại hơn 75% dung tích. Ngoài ra, 48/56 hồ nhỏ do địa phương quản lý đã đầy nước.
Dự báo vào 9 giờ sáng ngày 15/11, bão số 13 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.