Bom tấn "Oppenheimer", tác phẩm giúp đạo diễn Christopher Nolan đoạt giải Oscar, là một trong những bộ phim thành công nhất năm 2023 và việc phát hành chung vào cùng ngày với bộ phim “Barbie” đã giúp tạo nên một hiện tượng điện ảnh toàn cầu mang tên “Barbenheimer”.
Nhưng hiện tượng này khiến nhiều người dân Nhật Bản cảm thấy khó chịu khi "Oppenheimer" kể về tiểu sử của người sáng tạo ra bom hạt nhân, thứ vũ khí đã tàn phá hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến 2.
Một số người Nhật cảm thấy chiến dịch tiếp thị của “Barbenheimer” đã tầm thường hóa vụ ném bom năm 1945. Hãng phim Universal Pictures đã không phát hành bộ phim tại thị trường Nhật Bản vào tháng 7 năm ngoái.
Theo Universal, bộ phim tiểu sử dài 3 giờ này đã phá vỡ nhiều kỷ lục, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất lấy bối cảnh Thế chiến thứ hai.
Tại Nhật Bản, phim đứng thứ tư tại phòng vé sau khi phát hành hôm thứ Sáu tuần trước, thu về 379 triệu yên (2,5 triệu USD) trong cuối tuần công chiếu đầu tiên.
Là một phần trong chiến dịch quảng cáo của mình, Universal đã tham khảo quan điểm của ông Tomonaga Masao, chủ tịch của một nạn nhân sống sót sau vụ ném bom tại Nagasaki.
Trong các trích dẫn được đăng trên trang web chính thức của bộ phim tại Nhật Bản, ông Masao cho biết bản thân có thể cảm nhận được cuộc đấu tranh của nhân vật chính trong nửa sau của bộ phim, khi Oppenheimer bắt đầu đẩy lùi cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.
“Điều này có liên quan đến vấn đề cơ bản của thế giới ngày nay, nơi một thế giới không có hạt nhân ngày càng trở nên xa vời. Ở đây chúng tôi cảm nhận được thông điệp ẩn giấu của Nolan về việc theo đuổi trách nhiệm của các chính trị gia", ông Masao nói.
Trong khi đó, ông Hiraoka Takashi, cựu Thị trưởng thành phố Hiroshima, chia sẻ ông thấy nhân vật Oppenheimer là “một người đàn ông đầy mâu thuẫn” khi công trình khoa học của ông đã bị nhà nước vũ khí hóa và những lời cảnh báo về mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đã bị phớt lờ.
“Bầu không khí của những ngày đó vẫn tràn ngập trong thế giới của chúng ta ngày nay,” ông Takashi nói. “Tôi muốn xem lại bộ phim và nghĩ xem một quốc gia tin tưởng vào khả năng răn đe hạt nhân là như thế nào”.
Khi hiện tượng “Barbenheimer” bùng nổ trên mạng xã hội toàn cầu, hãng phim Warner Bros. đã vấp phải chỉ trích khi sử dụng các ảnh chế để quảng bá cho bộ phim “Barbie” trên tài khoản X của mình và sau đó phải đứng ra xin lỗi công chúng Nhật Bản.
8 tháng kể từ ngày "Openheimer" được công chiếu lần đầu, khán giả ở Nhật Bản đã chia sẻ những những cảm xúc lẫn lộn của họ sau khi thưởng thức tác phẩm đoạt tượng vàng Oscar.
Một người dùng X viết: “Khi nhắc đến Nhật Bản, Hiroshima và Nagasaki, tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Nhưng tôi bị mê hoặc bởi những cảnh tượng được mô tả đẹp đẽ về các vụ thử bom nguyên tử".
Một người dùng khác mô tả bộ phim đem tới “cảm xúc nặng nề, đau đớn, buồn bã và mong manh… nhưng vẫn đẹp”.
Rishu Kanemoto, một sinh viên 19 tuổi, sau khi xem hết phim đã bình luận: “Hiroshima và Nagasaki, nơi bị ném bom nguyên tử, chắc chắn là nạn nhân. Tôi nghĩ mặc dù nhà phát minh bom nguyên tử là một trong những thủ phạm, nhưng ông ấy cũng là nạn nhân bị cuốn vào chiến tranh".