Trước đó vào ngày 22/2, nam ca sĩ ăn trưa cũng gia đình xong thì bất ngờ cảm thấy nhức đầu nên nằm nghỉ. Khi ngủ Đại Nhân cảm thấy mắc tiểu, song tỉnh dậy lại không đứng lên được. Nghĩ rằng ngủ sai tư thế bị chuột rút nên Đại Nhân cố bật dậy khỏi giường nhưng không thể, sau đó té đập đầu vào tủ.
Ngay sau khi phát hiện, chàng ca sĩ được người thân đưa đi cấp cứu. Bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân bị tai biến tắc mạch máu não.
“Khi chụp CT thì thấy bị tắc hết mạch máu não chính, và vì Nhân bị trong lúc ngủ nên lúc phát hiện tính ra khá trễ, khi phẫu thuật bác sĩ nói tỉ lệ thành công chỉ là 50/50. Tình hình không hề khả quan nên cả nhà lúc đó chỉ biết cầu nguyện cho Nhân”, nam ca sĩ chia sẻ.
Nam ca sĩ được điều trị tại một bệnh viện Sài Gòn. Ảnh:FBBV |
Rất may, anh đã qua cơn nguy kịch thoát được cảnh liệt nửa người sau khi được thông mạch máu não. Theo nam ca sĩ, anh may mắn nhờ thường xuyên tập thể thao và luôn để ý đến chế độ ăn uống nên hạn chế nhiều tai biến. Nếu không rất có thể sẽ bị liệt nửa người và phải tập vật lý trị liệu hoặc châm cứu thêm 1 thời gian dài mới hồi phục được phần nào.
Bệnh nhân qua cơn nguy kịch thoát cảnh yếu liệt do tai biến. Ảnh: FBNV |
Căn bệnh của nam ca sĩ 32 tuổi tưởng chừng lâu nay chỉ ở người có tuổi, song gần đây rất nhiều người trẻ mắc phải.
Theo TS. BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, đột quỵ là nguy cơ gây tử vong thứ ba trên toàn thế giới và đứng số 1 tại Việt Nam.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, tỉ lệ tử vong vì căn bệnh này vượt qua nhiều những bệnh lý hiểm nghèo khác như ung thư, bệnh lý tim mạch, tai nạn giao thông.
Đột quỵ não có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như: Rối loạn nhịp tim, bệnh lý đông máu, hẹp mạch máu.
Một số nguyên nhân thường đến từ các yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp...
Dù nguy hiểm như vậy nhưng số lượng bệnh viện có đơn vị đột quỵ ở nước ta còn chưa nhiều. Cụ thể tại TP.HCM có 11 đơn vị, Hà Nội có 10 đơn vị, các tỉnh thành khác có từ 1-2 đơn vị hoặc không có (thống kê năm 2018).
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có bất kỳ triệu chứng như méo miệng, tê yếu chân tay/nửa người hoặc toàn thân, hãy nhập viện cấp cứu càng sớm càng tốt trong thời gian vàng để các bác sĩ can thiệp và sử dụng thuốc hiệu quả.