Từ chối cấp chứng nhận và xử phạt
Theo đơn trình bày của Công ty Cổ phần Nam Dược (đơn vị sản xuất) và Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân (đơn vị phân phối) cung cấp, cơ sở sản xuất mỹ phẩm Ngân Anh ở ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã sử dụng tên gọi Bảo Xuân "bắt chước" viên uống Bảo Xuân của hai công ty trên.
Cụ thể: Từ năm 2010, công ty Ích Nhân đã đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận số 172843 theo Quyết định số 37785/QĐ-SHTT ngày 3/10/2011. Tuy nhiên, cũng từ năm 2011 đến nay, cơ sở Ngân Anh tung ra thị trường các sản phẩm mỹ phẩm khác mang nhãn hiệu Bảo Xuân trùng với nhãn hiệu Viên uống Bảo Xuân của công ty Ích Nhân. Việc này khiến các công ty Nam Dược và Ích Nhân cho rằng mình bị xâm hại nhãn hiệu và khiếu nại lên các cơ quan chức năng.
Ngày 27/7/2011, cơ sở Ngân Anh đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT). Sau nhiều lần kiểm tra, xác minh, ngày 26/5/2015, Cục SHTT đã ra Quyết định số 11692/QĐ-SHTT từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số đơn 4-2011-15391 của cơ sở Ngân Anh.
Trước đó, ngày 8/10/2012, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành giám định và có Kết luận số HN294-12YC/KLGĐ khẳng định cơ sở Ngân Anh đã vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Theo cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu do Cục SHTT quản lý, đối tượng bị xem xét dấu hiệu “Bảo Xuân” và dấu hiệu “Bảo Xuân và hình” được trình bày trên vỏ hộp và lọ đựng sản phẩm: Kem dưỡng da, tái tạo, phục hồi; kem trị nám tàn nhang, đồi mồi; kem trị mụn nám trắng da; kem trị mụn xóa thâm, liền sẹo như thể hiện lần lượt tại mẫu giám định được sản xuất tại cơ sở Ngân Anh không phải là đối tượng được bảo hộ và cũng không phải là đối tượng được chuyển giao...
Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều nhà thuốc có bán mỹ phẩm Bảo Xuân của cơ sở Ngân Anh. Từ năm 2013 đến 2015, đã có nhiều cơ sở ở Hà Nội bị xử phạt vi phạm hành chính như: Quầy thuốc số 104 (số 1, Nguyễn Huy Tưởng); Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu y tế Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Như Thủy (phố Tuệ Tĩnh)... Ngày 20/5/2013, Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã gửi thông báo yêu cầu các công ty, nhà thuốc, các hộ kinh doanh không được tiêu thụ các sản phẩm mỹ phẩm có nhãn hiệu Bảo Xuân do cơ sở Ngân Anh sản xuất…
Tháng 6/2015, Đoàn kiểm tra liên ngành Cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang bất ngờ kiểm tra cơ sở Ngân Anh, phát hiện có 4.000 hộp kem mang nhãn hiệu Bảo Xuân, nhưng sau đó cơ sở này đã trì hoãn, không tiếp đoàn kiểm tra.
Ngày 22/1/2016, Viện Khoa học SHTT đã có Kết luận giám định số NH018-16YC/KLGĐ, với nội dung: “Dấu hiệu “Bảo Xinh và hình” trình bày trên bao gói sản phẩm kem dưỡng trắng da ngăn ngừa mụn của cơ sở Ngân Anh, là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Bảo Xuân và hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 172843 của Công ty Ích Nhân…”.
Ngày 10/6/2016, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sản xuất sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu “Bảo Xuân” và “Bảo Xinh, hình”, trình bày cách điệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Bảo Xuân” và “Bảo Xinh, hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho công ty Ích Nhân. Theo kết luận xử lý vi phạm, “đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và bị xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp”.
Sớm làm rõ, giải quyết dứt điểm vụ việc
Tuy nhiên, cơ sở Ngân Anh đến nay vẫn cho rằng mình không vi phạm như kết luận của các cơ quan chức năng. Cơ sở Ngân Anh thừa nhận việc phản đối của công ty Ích Nhân đúng luật, song cho rằng, tính chất của hai nhãn hiệu thì lại hoàn toàn khác nhau và việc cấp quyền sở hữu được bảo hộ cho hai sản phẩm không hề liên quan tới nhau bởi cùng mang nhãn hiệu “Bảo Xuân” nhưng một nhãn hiệu là dành cho mỹ phẩm, một nhãn hiệu là dành cho dược phẩm. Cơ sở Ngân Anh đã kiện Cục SHTT ra Tòa án Nhân dân tỉnh Hậu Giang.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22/9/2015, đại diện Cục SHTT vẫn giữ nguyên quan điểm tại Quyết định số 11692/QĐ-SHTT với lý do: Căn cứ điểm e và g khoản 2, điều 74 của Luật SHTT thì việc cơ sở Ngân Anh xin cấp nhãn hiệu “Bảo Xuân” tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Bảo Xuân” của một công ty đã được đăng ký nhãn hiệu từ năm 2008 đến 2010 và đã được bảo hộ nhãn hiệu từ ngày 1/6/2010 đến ngày 5/3/2020 là không thể. Tuy nhiên, tòa tuyên xử cơ sở Ngân Anh thắng kiện.
Ngày 5/10/2015, Viện KSND tỉnh Hậu Giang kháng nghị toàn bộ bản án. Công ty Ích Nhân và Cục SHTT cũng kháng cáo và đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ. Ngày 10/7/2015, Ban chỉ đạo 389 (Hậu Giang) đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về sự việc. Theo báo cáo, UBND tỉnh Hậu Giang đã đề nghị cơ sở Ngân Anh khẩn trương thu hồi, ngừng việc sản xuất các sản phẩm, hàng hóa có gắn nhãn hiệu Bảo Xuân… Trao đổi với phóng viên, đại diện Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đã xác định và xử lý các sai phạm của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Qua sự việc cho thấy, xung quanh một nhãn hiệu, mặc dù đã có nhiều ý kiến của cơ quan chức năng nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi, khiếu kiện kéo dài là điều khó có thể chấp nhận, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Đề nghị các cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật khẩn trương vào cuộc, giải quyết dứt điểm sự việc.
Theo Quân đội nhân dân