Cần xử lý nghiêm những trường hợp lan truyền thông tin
Ngày 5.12, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT (TT31) quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường. Nội dung đáng chú ý nhất của TT31 sản phẩm sữa tươi trong chương trình sữa học đường phải đảm bảo đủ 21 vi chất với hàm lượng trung bình của từng loại vi chất trong 100 ml sữa và quy định về nguồn nguyên liệu đầu vào, việc công bố sản phẩm, ghi nhãn cũng như điều khoản chuyển tiếp.
Theo quy định tại TT31, ngoài 3 vi chất sắt, can xi, vitamin D mà CTSHĐ đang thực hiện thì tới đây sẽ bổ sung thêm 18 vi chất khác như: kẽm, đồng, phospho, ma giê, các loại vitamin A, E, C, B1, B2…
Theo Bộ Y tế, TT31 được ban hành nhằm thực hiện các chỉ tiêu của Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8.7.2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt CTSHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, tăng chiều cao.
Có lẽ không cần phải nói nhiều lần thì phụ huynh vẫn hiểu được lợi ích của việc bổ sung sữa trong khẩu phần ăn hàng ngày của con. Chính vì vậy, uống sữa học đường ở trường được phần lớn phụ huynh tự nguyện cho con tham gia, giúp nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho học sinh lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.
Nhiều trường ở Hà Nội đã tham gia rất tích cực với chương trình mang nhiều ý nghĩa nhân văn này. Tuy nhiên, khi thông tin bổ sung 21 vi chất với hàm lượng cụ thể vào sữa học đường khiến nhiều phụ huynh hoang mang bởi nhiều thông tin thất thiệt.
Chị Phạm Hoàng Giang – Ban Phụ huynh lớp 1, trường Tiểu học Kim Đồng (HN), chia sẻ: “Con tôi rất thích uống sữa tươi và tôi cũng nghĩ ngay đến việc đăng ký sữa học đường cho con, thế nhưng, gần đây, đọc những thông tin trên mạng xã hội về sữa học đường đã từng khiến tôi và nhiều phụ huynh khác lo lắng như biến sữa tươi thành sữa bột, sữa giả, sữa nhập của Trung Quốc... Đánh trúng vào tâm lý của những người làm cha, làm mẹ, những thông tin lan truyền trên mạng xã hội nên được xử lý kịp thời, tránh gây hoang mang dư luận, bức xúc không đáng có giữa phụ huynh đối với các cơ sở giáo dục”.
Phần lớn các trường Tiểu học trên địa bàn Hà Nội, các thầy cô cũng cho biết, học sinh được uống sữa học đường vào 15 giờ 20 hàng ngày, đây là thời điểm thích hợp cho việc bổ sung thêm các chất dinh dưỡng để phát triển chiều cao cho học sinh. Do đó, nếu sữa học đường có đầy đủ 21 vi chất dinh dưỡng sẽ đảm bảo đúng mục đích mà chương trình đặt ra.
Học sinh Nguyễn Bảo Đan – Trường Tiểu học Ngọc Khánh (HN), cho biết: “Cứ mỗi buổi chiều, con và các bạn lại chờ đến giờ được phát sữa học đường. Đó là thời điểm vui nhất bởi học cả ngày mệt mỏi lại đường uống sữa. Thậm chí, con còn thi uống với các bạn xem ai uống nhanh hơn để đến “màn” bóp dẹp vỏ hộp sữa rồi xếp gọn vào thùng. Cô giáo nói, hành động này của các con sẽ góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện nếp sống ngăn nắp, gọn gàng nên chúng con rất thích”
Mỗi phụ huynh hãy là một tuyên truyền viên tỉnh táo
Trước đó, nhiều bậc cha mẹ học sinh bởi nghe tin lan truyền trên mạng xã hội về việc bổ sung vi chất vào sữa học đường, cùng nhau lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Chị Nguyễn Thị Trang Nhung - Phụ huynh có con học trường Tiểu học Trung Tự (Đống Đa, HN), chia sẻ: “Thực sự chúng tôi rất quan tâm tới khẩu phần ăn hàng ngày của con ở trường, trong đó có cả sữa học đường. Không phải phụ huynh nào khi nghe tin về sữa học đường cũng có thể bình tĩnh tìm hiểu, lắng nghe từ nhiều phía hay biết chọn lọc thông tin. Tuy nhiên, tôi hiểu và tin tưởng chương trình quốc gia này, và việc bổ sung vi chất vào chắc chắn sẽ có ích lợi đối với trẻ. Chính vì vậy, phụ huynh phải thực sự “tỉnh táo” trước thông tin trên mạng mà bỏ qua những phát ngôn chính thống”.
Đa phần các phụ huynh cũng cho rằng, những tài khoản đăng tải các luồng thông tin thiếu căn cứ trên cần bị xử lý trách nhiệm. Đồng thời, để phụ huynh hiểu đúng về chương trình sữa học đường, chị Ngô Hà Thanh (Phụ huynh trường Tiểu học Ái Mộ, Long Biên) cho rằng: “Các cấp, ban ngành, các cơ sở giáo dục cũng cần giải đáp thắc mắc của phụ huynh. Nên đăng tải những thông tin chính thống lên các trang chính thống như báo đài, trang web của trường hoặc gửi mail, dán lên bảng thông báo cho phụ huynh nắm bắt thông tin, hiểu đúng vấn đề.
Khi cung cấp thông tin, các nhà trường, nhà cung cấp sản phẩm cần có những lý lẽ khoa học, xác thực, minh bạch để thuyết phục được cha mẹ học sinh, đồng thời, để những thành phần xấu không có cơ hội suy diễn, làm sai lệch thông tin”.