Đầu tuần này, chính quyền Ottawa đã trục xuất nhà ngoại giao Trung Quốc Zhao Wei vì những cáo buộc liên quan đến can thiệp của nước ngoài. Chỉ vài giờ sau, Trung Quốc yêu cầu một nhà ngoại giao Canada ở Thượng Hải rời đi trước ngày 13/5 nhằm đáp lại "hành động vô lý" của Ottawa.
“Chúng tôi hiểu rằng có sự trả đũa, nhưng chúng tôi sẽ không bị đe dọa, chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ người Canada khỏi sự can thiệp của nước ngoài”, ông Trudeau nói với các phóng viên ở Ottawa.
Mâu thuẫn giữa hai nước đã nổi lên kể từ sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu - giám đốc tài chính Huawei, vào năm 2018. Đáp trả lại, Trung Quốc bắt giữ hai người Canada với cáo buộc gián điệp. Cả ba đều được trả tự do vào năm 2021.
Nhiều người lo ngại căng thẳng ngoại giao song phương có thể gây hậu quả kinh tế cho Canada. Tính riêng năm ngoái, Trung Quốc đã nhập 74,8 tỷ USD hàng hóa từ Canada và trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Ottawa sau Mỹ.
Cũng trong năm 2022, Trung Quốc cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cải dầu, loại cây trồng lớn nhất của Canada, từ các công ty thương mại Richardson International và Viterra. Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu lớn kali và lúa mì của Canada.
"Với Trung Quốc, luôn có nguy cơ bị trả đũa", ông Tyler McCann, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Nông sản-Lương thực Canada, cho biết. "Nhưng có vẻ như chính phủ Trung Quốc nhạy cảm hơn về an ninh lương thực so với những năm trước và điều đó có thể giảm thiểu rủi ro".
Nguồn cung lúa mì và dầu thực vật toàn cầu đang khan hiếm do xung đột tại Ukraine, điều này có thể khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc hạn chế nhập khẩu lúa mì và cải dầu của Canada.
"Trung Quốc đã có một phản ứng thận trọng", ông Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho biết và dự đoán sẽ còn nhiều vụ trục xuất các nhà ngoại giao trong tương lai giữa hai bên.
Cựu đại sứ Saint-Jacques cũng cho biết ông không hy vọng Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, vì chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng trấn an các công ty nước ngoài tiếp tục đầu tư vào thị trường "tỷ dân".
Năm nay, Bắc Kinh đã trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng đã liên hệ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để đảm bảo rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trở lại sau giai đoạn đóng cửa vì COVID-19.
"Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc tấn công quyến rũ để thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài quay lại Trung Quốc đầu tư. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Canada ở giai đoạn này sẽ gửi một thông điệp rất xấu đến các công ty nước ngoài", ông Saint-Jacques chỉ ra.