Càng một mình càng… bận

(Ngày Nay) - Ở ngoại thành Hà Nội, cứ ngỡ chỉ những người đàn bà thuần nông đã có gia đình, một nách dăm ba đứa con mới đầu tắt mặt tối, hóa ra tôi lầm. Dì tôi năm nay đã ngoài 50 tuổi, không lấy chồng, mỗi lần về quê tôi đều thấy dì tất bật chạy chợ, làm rượu, nuôi lợn, trồng rau… chẳng ngơi tay phút nào.
Dì Sơn đã ngoài 50 nhưng không lấy chồng
Dì Sơn đã ngoài 50 nhưng không lấy chồng

Làm việc quên cô đơn

Đến bây giờ, không ai còn đặt câu hỏi vì sao dì chưa lấy chồng. Thời của dì, ở trong làng này, phần lớn vẫn là lệ cha mẹ tìm mối, ướm hỏi, dạm ngõ cho con. Họ thường mang trầu cau đến tận nhà gái để dạm ngõ, nhà nào ưng thì gả. Chẳng có chuyện cưa cẩm tán tỉnh nhau “gãy lưỡi” như bây giờ. Ngày ấy, dì cũng chẳng thua kém ai về ngoại hình, dì lại hiền lành, chịu thương chịu khó. Thế mà lại… ế.

Dì Sơn sinh thứ tư trong một gia đình 7 anh chị em ở ngoại thành Hà Nội. Dì có chị em sinh đôi là dì Hà. Ngặt nỗi cả dì Sơn và dì Hà đều chẳng “chịu” lấy chồng. Anh chị em dựng vợ gả chồng hết thảy, hai chị em dì Sơn ở riêng biệt cùng mẹ già trong một con ngõ cụt gần bờ ao hợp tác xã. Cách đây chừng 3-4 năm, dì Hà đột ngột qua đời sau một trận ốm nặng. Ngôi nhà rộng thênh thang chỉ còn lại dì Sơn và mẹ già. Nhà bớt đi một người, nhưng công việc vẫn nhiều như cũ. Đàn lợn vẫn đông đúc hàng chục con, lịch đi chợ bán rượu vẫn đều đặn mỗi ngày…

Càng một mình càng… bận ảnh 1Dì Sơn cặm cụi trong căn bếp nhỏ của mình

Năm nay dì đã hơn 50, mẹ già hơn 90 tuổi, hai số phận bước vào cái dốc bên kia của tuổi trẻ cùng nương tựa vào nhau giữa mái nhà trống hơ trống hoác. Dì Sơn ngày nào cũng dậy sớm, nổi lửa nấu cơm rượu, nấu cám lợn, chặt củi, chăm sóc mẹ già. 

Cái tên nghe khá nam tính dường như “vận” vào cuộc đời dì Sơn, bắt dì lúc nào cũng phải nỗ lực, độc lập như nam giới, lúc nào cũng phải cáng đáng mọi việc gia đình, làm chỗ dựa cho mẹ ruột. Có những ngày dì đi chợ xuyên trưa, không ngại mưa dầm gió bấc… Ngày xưa dì quảy quang gánh, đi bộ đến chợ. Giờ, dì đi xe đạp. Dì chịu thương chịu khó nên dù chẳng có chồng, một mình làm lụng dằn lưng, dì vẫn tích cóp được số vốn kha khá. Những buổi chợ ở mãi tận Mê Linh, ngoại thành Hà Nội giúp dì xây được ngôi nhà tầng cao ráo, căn bếp đầu tư hệ thống bioga hiện đại, cái sân lát phẳng lì, cổng nhà cũng… hoành tráng. Nhìn ngoài, người ngoài làng dễ nghĩ là cơ ngơi của hai vợ chồng nào đó có kinh tế dư dả.

Càng một mình càng… bận ảnh 2

Đồ đạc trong nhà cũng chẳng thiếu thốn gì: bếp ga, tủ lạnh, giường tủ… Duy chỉ có cái bếp củi dành nấu rượu, nấu cám lợn là không thay đổi, sáng nào cũng bập bùng nổi lửa. Mỗi lần về quê gặp dì, câu chuyện của chúng tôi lúc nào cũng gần cạnh bếp lửa, vì lúc nào dì cũng luôn tay luôn chân dưới bếp, vừa nói chuyện vừa làm việc.

Ngày dì đào móng xây nhà, nhiều người xì xào: nhà tầng đẹp nhưng rộng quá, phí! Nhưng mấy ai biết dì đã nỗ lực như nào, muốn nhìn thành quả của những năm tháng tuổi trẻ bươn trải của mình đến thế nào… Công sức cả đời của dì là ở đấy chứ đâu, dì còn ai để trông đợi, còn gì để vun vén ngoài ngôi nhà?

Nhưng dù nhà cửa đã đầy đủ rồi, dì vẫn không bỏ buổi chợ nào. Dì bảo, càng ở một mình càng muốn làm nhiều, sểnh ra một lúc là buồn vì trống trải, cô đơn.

Không là gánh nặng của ai

Trong làng dì tôi, không ít người ở vậy đến già. Mỗi người một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai. “Nổi bật” nhất có lẽ là trường hợp 3 cụ bà-3 chị em gái trong một gia đình đều đã đến tuổi nghỉ hưu và đều… không chồng. Ngồi ở quán nước gần ngã ba đê, tôi hỏi bà hàng nước, bà đã nói một tràng dài không ngớt về sự… vô phúc của ngôi nhà có 3 người đàn bà chẳng lấy được chồng. Không lấy được chồng là chẳng được nước non gì (?!).

Với người dân ngoại thành, nhất là những vùng quê xa xôi còn nặng hủ tục, lạc hậu, thì những người đàn bà không chồng thường bị dị nghị, điều tiếng như thế. Họ không thể lấy được chồng chứ không bao giờ là không thích lấy chồng.

Nhưng cuộc sống của ba người phụ nữ độc thân không vì điều tiếng mà… lận đận, khó khăn. Ba người phụ nữ cùng xây nhà, ở chung với nhau nương tựa tuổi già. Họ ngày ngày buôn bán, làm nông nghiệp, kinh tế ổn định. Không chỉ có số tiền dối già, 3 cụ bà còn giúp anh em họ hàng nuôi nấng, chu cấp đầy đủ cho mấy đứa cháu. Khả năng tài chính ấy, đâu phải người đàn ông trưởng thành nào cũng làm được?

Gặp cụ nào ngoài đường cũng thấy cụ cười tươi, tâm trạng tươi tỉnh và dáng vẻ khỏe mạnh. Cả ba cụ bà đều chăm chỉ làm việc, vẫn tập thể dục và tìm những thú vui khác trong cuộc sống. Không phải người phụ nữ nào cũng “giỏi” như thế, nhưng tôi luôn thấy những phụ nữ độc thân có cách riêng để cân bằng những giá trị trong cuộc sống của mình.

Nhiều người không thể chịu đựng được nỗi cô đơn khi phải ở một mình, không biết làm gì cho hết buổi tối, cuối tuần càng sốt ruột... Nhưng với những người phụ nữ độc thân sống tích cực như dì tôi, như 3 cụ bà cùng làng, thì họ biết cách tạo ra niềm vui khi chỉ có một mình. Khi bất đắc dĩ rơi vào cảnh một mình, dì tôi biết, con đường đi của những phụ nữ độc thân không được phép có khái niệm bi quan, gục ngã...

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.
Kiến tạo tương lai cùng AI
Kiến tạo tương lai cùng AI
(Ngày Nay) - Việc công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu tiên được sử dụng để xử lý các câu hỏi trong chương trình “Giao lưu trực tuyến” với người dân vào ngày 19/12 tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chứng minh rằng khai thác tiềm năng và sức mạnh của AI trong mọi lĩnh vực đang trở thành xu hướng chủ đạo trên thế giới.