Bhutan đã hợp tác với Tập đoàn công nghệ Bitdeer, có trụ sở tại Singapore, để phát triển một trang trại "đào" Bitcoin với công suất 600 megawatt.
Bitdeer dự định thành lập một quỹ giao dịch cộng đồng vào cuối tháng 5, nhằm huy động 500 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế cho dự án.
Ông Ujjwal Deep Dahal, Giám đốc điều hành của công ty Druk Holding & Investments (đơn vị hợp tác với Bitdeer) cho biết: “Mặc dù Bhutan phải đối mặt với những hạn chế về địa lý và thách thức về kết nối, do không giáp biển và nhiều đồi núi, nhưng nguồn năng lượng xanh và tương đối rẻ hơn của quốc gia này mang đến cơ hội đầu tư vào tài sản kỹ thuật số để xây dựng một nền kinh tế bền vững và kết nối hơn”.
Việc tập trung khai thác tiền kỹ thuật số sẽ cho phép trang bị công cụ và kiến thức người dân Bhutan tham gia vào nền kinh tế toàn cầu hiện đại.
Việc chuyển sang khai thác tiền điện tử, một ngành công nghiệp nổi tiếng đầy biến động và gây tranh cãi, diễn ra khi Bhutan vẫn đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, khiến nền kinh tế nước này bị thu hẹp 10% vào năm 2020. Dự trữ ngoại tệ giảm, các khoản nợ xấu trong lĩnh vực sản xuất và du lịch tăng cao, kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt 29% vào năm ngoái.
Thực trạng u ám này đã phủ bóng đen lên "câu chuyện thành công về phát triển" của Bhutan, theo cách nói của Ngân hàng Thế giới, với ước tính 12,4% dân số (lên đến 786.000 người) sống dưới chuẩn nghèo quốc gia vào năm ngoái, tăng từ 8,2% vào năm 2017.
Kinh tế Bhutan được dự báo chỉ tăng trưởng ở mức 4,6% trong năm nay. Tuy nhiên, du lịch, ngành mang lại doanh thu lớn thứ hai của đất nước, dự kiến sẽ không đạt mức trước đại dịch cho đến năm 2025.
Nhằm xây dựng một nền kinh tế có thu nhập cao trong thập kỷ tới, chính phủ nước này buộc phải đa dạng hóa nguồn thu. Ngoài khai thác tiền ảo, Bhutan sẽ tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, người máy và công nghệ sinh học. Hệ thống giáo dục cũng đang được cải cách để nhấn mạnh tư duy phản biện, tính sáng tạo và hiểu biết về kỹ thuật số.
Đối với những người khai thác tiền điện tử, nguồn cung cấp năng lượng xanh và chi phí tương đối thấp của Bhutan, chủ yếu từ thủy điện, khiến nước này trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Hoạt động khai thác tiền ảo với công suất 100 MW đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9 này, trước khi đạt 600 MW trong 3 năm tới. Điện sẽ được bán cho nhà điều hành với giá thỏa thuận.
Với công suất 100 MW, dự án khai thác tiền ảo này sẽ tiêu thụ điện nhiều nhất quốc gia Nam Á này. Nhu cầu sử dụng điện cao nhất của Bhutan được ghi nhận vào khoảng 488 MW vào tháng 12 năm 2021.
Mạng lưới điện Bhutan có công suất lắp đặt khoảng 2.400 MW và bán phần lớn sản lượng thủy điện cho Ấn Độ vào mùa hè. Vào mùa đông, nước này nhập khẩu điện khi công suất phát điện giảm xuống còn khoảng 414 MW. Nhưng nguồn cung ổn định sẽ tăng lên sau khi một nhà máy điện mới 118 MW đi vào hoạt động vào cuối năm nay và một cơ sở với công suất 1.020 MW đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2024.
Mặc dù vốn chủ sở hữu của Bhutan trong dự án sẽ nhỏ, nhưng thỏa thuận này hứa hẹn sẽ tạo ra một nguồn cung ngoại tệ ổn định từ việc bán điện, thuế và chia sẻ lợi nhuận. Số tiền thu được sẽ nhằm tăng cường mạng lưới điện và mạng lưới viễn thông.
Dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra từ 300 đến 400 việc làm cho người dân Bhutan.
Tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn lực quốc gia để tham gia vào một ngành công nghiệp không thể đoán trước đã khiến không ít người dân Bhutan cảm thấy quan ngại. Các quốc gia khác đã nhảy vào khai thác tiền điện tử đã gặp vấn đề. Tại Kazakhstan, sự bùng nổ đột ngột trong hoạt động khai thác tiền điện tử đã gây căng thẳng cho mạng lưới điện, dẫn đến mất điện cục bộ và góp phần gây ra các cuộc biểu tình làm rung chuyển đất nước vào tháng 1 năm 2022.
Ngoài việc ngốn lượng lớn điện năng, sự lên xuống thất thường của tiền điện tử cũng là yếu tố phải cân nhắc. Vào năm 2021, giá trị của Bitcoin đã giảm từ 68.000 USD xuống còn 17.000 đô la. Năm nay, đồng tiền nổi tiếng này đã trở lại ở mức trên 30.000 USD.
Nhiều người ở Bhutan coi việc khai thác Bitcoin là một rủi ro đáng chấp nhận, vì nguồn cung tiền tệ hữu hạn khiến nó trở thành hàng hiếm, ít nhất là trên lý thuyết. Trong số 21 triệu Bitcoin thế giới có thể đào được, hơn 19 triệu đã được khai thác, điều này sẽ khiến nhu cầu cho số lượng Bitcoin còn lại trở nên rất cao trong tương lai. Nhiều người cũng đang tin tưởng vào việc tiền điện tử sẽ trở thành xu hướng chủ đạo.
Ông Tshering Cigay, cựu Giám đốc điều hành của Thimphu Techpark, một trung tâm phát triển công nghệ tại Bhutan cho biết: “Bhutan nên tận dụng lợi thế cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường năng lượng của mình. Dù vậy, thật khó để nói về triển vọng thương mại của tiền ảo”.