Corticoid được sử dụng trong trường hợp nào?
Corticoid (tên đầy đủ là glucocorticoid) là một loại thuốc kháng viêm được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau. Corticoid dùng trong điều trị có tác dụng tương tự như hormone được sản xuất bởi tuyến thượng thận (hai tuyến nhỏ nằm phía trên thận).
Trên thị trường, thuốc chứa corticoid được sản xuất dưới nhiều dạng dùng khác nhau: Dạng viên (corticoid dùng đường uống): Mekocetin, betamethason, prednisolon...; dạng tiêm trực tiếp vào trong mạch máu, trong khớp, cơ; dạng hít qua miệng; dạng xịt mũi; dạng dung dịch dùng với máy khí dung; dạng kem, gel, thuốc mỡ.... dùng tại chỗ (bôi ngoài da, nhỏ mắt, mũi, tai...).
Corticoid được sử dụng điều trị cho trẻ trong nhiều bệnh lý khác nhau: Các bệnh tự miễn (bệnh Crohn, lupus ban đỏ...); hen phế quản; thay thế hormone tuyến thượng thận khi cơ thể không tự sản xuất đủ các hormone này. Corticoid còn được dùng trong các phản ứng dị ứng nặng (dùng trong thời gian ngắn để làm giảm các phản ứng dị ứng nặng) và một số bệnh lý ngoài da: Eczema, vảy nến, viêm da cơ địa, phát ban, kích ứng nhẹ do côn trùng đốt.
Trong một số bệnh lý hô hấp cấp tính ở trẻ có mức độ nghiêm trọng như: Hen phế quản, viêm thanh quản cấp, viêm mũi dị ứng nặng... có thể dùng corticoid nhưng phải dưới sự hướng dẫn chi tiết của bác sĩ chuyên khoa.
Lưu ý, không có chỉ định dùng corticoid trong những bệnh lý viêm hô hấp khác phổ biến ở trẻ như: Cảm thông thường, viêm mũi họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản... vì không thấy rõ sự vượt trội giữa lợi ích và nguy cơ mang lại.
Cảnh báo lạm dụng corticoid ở trẻ
Hiện nay, có nhiều bậc phụ huynh lầm tưởng corticoid có tính chống viêm rất mạnh, làm đáp ứng viêm của cơ thể sẽ giảm, cùng nhiều cơ chế lý hóa phức tạp khác. Khi trẻ bị sốt cao, cơ thể đang gồng mình sinh miễn dịch để chống lại bệnh tật, việc uống corticoid vào thời điểm này đáp ứng miễn dịch sẽ giảm xuống, giúp trẻ hạ sốt… Điều này khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng “trẻ nhanh khỏi”. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Có vài nghiên cứu về sử dụng 1 liều duy nhất dexamethason với mục đích giảm đau họng (không phải để rút ngắn thời gian khỏi bệnh) trong viêm họng cấp ở trẻ em thì người ta hầu như không thấy tác dụng phụ gì đáng kể. Thế nhưng, nhiều người lại chuộng dùng loại thuốc này, mỗi đợt 5 -7 ngày. Điều này khiến gánh nặng về lạm dụng thuốc đè lên vai những đứa trẻ…
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng việc dùng thuốc này có tác dụng hạ sốt, giảm viêm họng nên khi trẻ sốt, viêm họng là tự ý mua thuốc về cho uống. Hậu quả là nhiều trẻ bị tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc vì thói quen này. Nhiều trẻ bị “ốm vặt” cũng vì nguyên nhân thường xuyên sử dụng thuốc corticoid để chữa bệnh.
Trẻ mắc Hội chứng Cushing do lạm dụng thuốc chống viêm. |
Theo chỉ định, nếu sử dụng corticoid với liều thấp, ngắn ngày (dưới 7 ngày) và lâu lâu mới dùng một đợt thì hầu như sẽ không có tác dụng phụ gì đáng kể. Tuy nhiên, nếu dùng thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
Gồm: Tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, glocom, chậm lành vết thương, da teo mỏng, dễ bị bầm tím, chậm lớn, Hội chứng Cushing (hiện tượng mặt tròn như mặt trăng, lắng đọng mỡ ở vùng cổ, lưng trong khi chân tay teo nhỏ).
Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngừng hoạt động, không còn duy trì chức năng bài tiết hormone bình thường nữa.
Do vậy, nếu trẻ buộc phải dùng corticoid trong thời gian dài, nên đưa trẻ tái khám và thực hiện các xét nghiệm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm các tác dụng phụ (nếu có).Corticoid (thuốc chống viêm) có rất nhiều tác dụng điều trị trong nhiều bệnh lý khác nhau.
Tuy nhiên, nếu không dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sẽ gặp những tác dụng phụ nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các bậc cha mẹ chớ lạm dụng corticoid mà khiến trẻ phải gánh chịu hậu quả.