Một gia đình tại Trung Quốc sau bao nhiêu lần mong mỏi cuối cùng cũng chào đón đứa con đầu lòng. Vì bé sinh non, sữa mẹ cũng hạn chế nên gia đình quyết định bổ sung thêm nguồn sữa bột cho bé để giúp em hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh.
Tuy nhiên, vì thương con và mong con chóng lớn, phát triển toàn diện nên gia đình thường pha sữa bột quá lượng so với quy định. Vào một buổi sáng, khi người mẹ đang cho con bú thấy bé có dấu hiệu bất thường: không chịu ngủ, quấy khóc. Đến buổi chiều, gia đình phát hoảng khi thấy bụng của bé bỗng to như quả bóng và ngay lập tức đưa em đi đến bệnh viện.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ cho biết, em bé bị viêm ruột hoại tử, nguyên nhân là do "cho bé uống lượng sữa quá nhiều". Gia đình vô cùng bất ngờ và cảm thấy hối hận, do hành động cố cho thêm nhiều sữa mà suýt chút nữa làm hại đứa trẻ.
Hay một trường hợp khác: Con của một người đàn ông họ Vương ở Hạ Môn, Trung Quốc sinh non. Vợ không đủ sữa, mới chào đời được 3 ngày, bé đã phải uống sữa bột bên ngoài. Anh Vương rất yêu quý cậu quý tử này: “ Mỗi ngày khi pha sữa cho con, tôi đều cố ý cho thêm một vài thìa nữa, mong cho con được ăn no, đủ chất”.
Khi pha sữa cho trẻ, các chỉ số chính xác rất quan trọng để đảm bảo em bé của bạn nhận được đầy đủ dinh dưỡng. (Ảnh minh họa).
Nhưng không ngờ, bé mới uống được 2 ngày sữa pha đặc đã nôn mửa, đầy hơi, cứng bụng, từ một đứa trẻ linh hoạt bỗng chốc biến thành mệt mỏi, kiệt sức. Người bố vội vàng đưa con đến bệnh viện. Sau khi kiểm tra mới phát hiện, trẻ đã bị hoại tử ruột.
Bác sỹ cho biết, trẻ em uống sữa quá đặc, áp lực thẩm thấu ở hệ tiêu hóa của trẻ mất cân bằng. Nước ở bên ngoài ruột sẽ thẩm thấu vào trong ruột của trẻ, bụng chướng khí rất nghiêm trọng, dẫn đến viêm ruột non, kết tràng hoại tử cấp tính. Sau đó, trẻ sẽ bị sốt cao, đi ngoài ra máu, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt, đối với trẻ chưa đầy hai tháng tuổi, hệ thống tiêu hóa và thận còn chưa phát triển hoàn thiện. Nồng độ sữa quá cao, sẽ gây tổn thương ruột, khiến trẻ bị đầy hơi, căng phồng vùng bụng, là một triệu chứng sớm của bệnh viêm ruột hoại tử cấp tính.
Sau đó, đứa trẻ sẽ bị sốt, tiêu chảy ra máu, đi kèm theo các triệu chứng khác, nếu nặng hơn có thể đe dọa đến tính mạng. Chính vì vậy, khi pha sẽ bột cho trẻ uống, cha mẹ cần nắm rõ lượng sữa được phép cho trẻ sử dụng, tránh để lại hậu quả nặng nề.
Lưu ý pha sữa đúng cách cho con trẻ
- Các hãng sữa đều đã có quy định về lượng nước, lượng sữa quy định dập trên vỏ lon, khi pha sữa bố mẹ cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn này. Các chỉ số chính xác rất quan trọng để đảm bảo em bé của bạn nhận được đầy đủ dinh dưỡng.
- Chú ý đến nhiệt độ nước. Trong sữa của trẻ có không ít thành phần dinh dưỡng không chịu được nhiệt, tính ổn định kém. Nếu dùng nước quá nóng pha sữa sẽ dễ làm mất đi dinh dưỡng. Nếu dùng nước quá lạnh thì sữa không tan được hết, đường ruột của trẻ sẽ dễ bị tổn thương.
- Dùng thìa khuấy quá nhanh hoặc xóc lên xuống quá mạnh sẽ làm cho sữa sinh ra lượng bọt bong bóng lớn. Trẻ uống sữa có phần lớn khí bọt dễ làm cho trẻ chướng bụng, nấc hoặc trớ, nôn ra sữa.
- Tuyệt đối không nên pha thêm bất cứ thứ gì vào trong sữa của bé. Sữa công thức có hàm lượng dinh dưỡng được tính toán kỹ càng, nếu mẹ pha thêm các thực phẩm khác vào sẽ dẫn đến phá vỡ công thức và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của bé.
- Chỉ nên pha sữa và cho bé uống luôn sau đó, không nên pha để sẵn. Sữa thừa trẻ không uống hết nên đổ đi. Không bao giờ tích trữ lượng sữa thừa trong bình để dùng lại lần sau, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé vì lượng sữa này có thể đã nhiễm khuẩn.
P.V