Mẹ bệnh nhi cho biết: Trước đó, khi bé đi ngoài nhiều lần trong ngày gia đình đã tự cho bé uống thuốc tại nhà. Trong số thuốc mà mẹ mang theo để bác sĩ xem có một gói thuốc bột mà dân gian thường gọi là thuốc cam. Gói thuốc này do ông bà cho cháu uống. Sau khi uống thuốc, tình trạng cháu không có tiến triển nên mẹ đã đưa đến bệnh viện.
Theo các bác sĩ, may mắn là gia đình mới cho bệnh nhi uống 2 lần thuốc bột này với liều lượng ít nên chưa có ảnh hưởng xấu. Các kết quả thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng vẫn nằm trong ngưỡng bình thường.
Bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhi bị tiêu chảy cấp và kê đơn, hướng dẫn gia đình chăm sóc, theo dõi và hẹn khám khi có dấu hiệu bất thường.
Trước đó, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc do gia đình tự ý cho sử dụng thuốc nam, thuốc cam chữa bệnh. Nhiều gia đình vốn mặc định thuốc cam là "thần dược" chữa đủ mọi loại bệnh từ kém ăn, tưa lưỡi, viêm loét miệng, đi ngoài… Kết quả bệnh không khỏi, cân nặng không lên, nhưng các bé đều có chung đặc điểm ngộ độc chì phải nhập viện cấp cứu.
Trong trường hợp trẻ sử dụng liều lượng thuốc nhiều có thể bị ngộ độc (đặc biệt là ngộ độc chì). Trẻ em bị ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là tình trạng ngộ độc mạn tính bởi việc điều trị rất khó khăn và để lại di chứng nặng nề.
Khi xảy ra tình trạng ngộ độc, chì không chỉ nhiễm vào máu mà còn xâm nhập vào các tổ chức xương, não, các bộ phận khác trên cơ thể… gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch và khiến trẻ chậm phát triển về trí tuệ.
Các bác sĩ cảnh báo: Hiện vẫn còn nhiều người dân có thói quen sử dụng các loại thuốc Nam, thuốc cam để điều trị bệnh. Việc sử dụng tràn lan các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được chất lượng có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề đáng tiếc cho sức khỏe của trẻ.
Vì vậy, các bậc phụ huynh tuyệt đối không tùy tiện cho con sử dụng các phương thuốc dân gian không rõ nguồn gốc mà nên đưa con đến ngay các cơ sở y tế khi con có dấu hiệu bị bệnh để được thăm khám, điều trị đúng cách.