Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, cặp gấu trúc Yun Chuan và Xin Bao đã rời cơ sở chăm sóc Bifengxia thuộc Khu bảo tồn Gấu trúc lớn Tứ Xuyên vào tối thứ Tư để lên chuyến bay khởi hành tới nơi ở mới.
Thương vụ “ngoại giao gấu trúc” hiếm hoi này đã được hoàn tất vào tháng 2, chỉ vài tháng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất gửi gấu trúc đến Sở thú San Diego với tư cách là “sứ giả đại diện cho tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ”.
Theo CCTV đưa tin, Xin Bao - chú gấu trúc cái sinh vào tháng 7 năm 2020 - có tính cách “hiền lành và ngoan ngoãn”, trong khi gấu trúc đực Yun Chuan sinh tháng 7 năm 2019 được miêu tả là “thông minh và hoạt bát”.
Theo một tuyên bố từ Liên minh Động vật hoang dã thuộc Sở thú San Diego, cặp gấu trúc đã được tổ chức lễ chia tay tại Khu bảo tồn Tứ Xuyên. Buổi lễ bao gồm các tiết mục biểu diễn và trao đổi quà tặng với sự tham dự của các quan chức Mỹ và Trung Quốc.
Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cặp gấu trên chuyến bay tới Mỹ, nhóm các chuyên gia đi cùng đã chuẩn bị đồ ăn gồm thanh tre tươi, măng, trái cây, rau củ và loại bánh ngô đặc biệt có tên là “wotou” (bánh cao lương hấp).
Theo CCTV, một nhóm gồm 5 chuyên gia chăn nuôi và thú y từ cả hai nước cũng có mặt trên chuyến bay. Trong đó, các chuyên gia từ Trung Quốc sẽ ở lại Mỹ trong vòng ba tháng đầu để giúp cặp gấu này “thích nghi với môi trường sống mới”.
CCTV cho biết những chú gấu trúc sẽ không xuất hiện trước công chúng trong vài tuần đầu để có thể dành thời gian thích nghi. Phía sở thú sẽ công bố ngày ra mắt sau khi cặp gấu trúc được nhóm chuyên gia thú y xác nhận đã sẵn sàng gặp gỡ người dân Mỹ.
Tính đến nay, Trung Quốc đã cho hơn 20 quốc gia thuê mượn gấu trúc dưới dạng chính sách thường được gọi là “ngoại giao gấu trúc”. Các thương vụ thuê gấu trúc của Washington đã kéo dài từ năm 1972 - mặc dù số lượng gấu được thuê mượn đã giảm đi trong vài năm gần đây do những chuyển biến xấu trong quan hệ Mỹ-Trung.
Sở thú San Diego - một trong những sở thú nổi tiếng nhất thế giới - là tổ chức đầu tiên ở Mỹ thực hiện hợp tác với Trung Quốc nhằm nghiên cứu về loài gấu trúc khổng lồ. Kể từ năm 1994, sở thú San Diego đã hợp tác với trung tâm bảo tồn Tứ Xuyên để tiến hành nghiên cứu về hành vi, đặc tính di truyền, phương pháp nhân giống nhân tạo, những dinh dưỡng cần thiết và cách phòng bệnh của loài động vật này.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, số lượng gấu trúc khổng lồ tự nhiên hiện đang ở mức ít hơn 2.000 con, khiến loài này được liệt vào danh sách Loài sắp nguy cấp.
Trái ngược với nỗ lực hợp tác giữa hai nước, gấu trúc đã không còn xuất hiện tại San Diego trong vòng vài năm qua – phía sở thú đã trả lại cặp gấu trúc cuối cùng cho Trung Quốc vào năm 2019 sau khi hợp đồng thuê mượn kết thúc.
Theo thông cáo báo chí được Sở thú San Diego đưa ra vào tháng Tư, gấu mẹ của Yun Chuan - Zhen Zhen - được sinh ra từ bố mẹ Bai Yun và Gao Gao tại San Diego vào năm 2007. Còn gấu Bai Yun - sinh năm 1991 ở Trung Quốc và được chuyển tới San Diego năm 1996 - đã trở về Trung Quốc vào năm 2019 ở tuổi 27.
Vườn thú Quốc gia Smithsonian ở Washington, DC cũng đã gửi ba con gấu trúc của mình trở lại Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái – kết thúc quá trình nuôi giữ gấu trúc kéo dài hơn 50 năm của vườn thú. Điều này đã khiến Vườn thú Atlanta trở thành nơi duy nhất tại Hoa Kỳ có nuôi giữ gấu trúc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng nhắc tới thương vụ “ngoại giao gấu trúc” mới này vào tháng 11 năm ngoái, sau cuộc hội đàm sâu rộng với Tổng thống Joe Biden bên lề diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco.
Ông đã nói: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ về vấn đề bảo tồn gấu trúc và sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng mong muốn của người dân California, từ đó giúp làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước”.