Theo thông tin từ báo Công an Nhân dân, ngày 25/5, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, vừa cắt khối bướu cổ nặng 1,1kg cho bệnh nhân H. (58 tuổi). Bệnh nhân đã bị bướu cổ từ nhiều năm nay, đã được mổ 1 lần, 7 năm sau khối u tái phát và lớn dần làm bệnh nhân nhiều lúc thấy nghẹn, khó thở. Theo thời gian khối u cứ thế phát triển, bệnh nhân khó thở nhiều hơn.
Giữa tháng 5/2019, bệnh nhân đến khám tại khoa Ung bướu - Bệnh viện quận Thủ Đức. Qua xét nghiệm, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu nhận định đây là trường hợp bướu giáp tái phát, khối u lớn gây đè dẹp khí quản, dính các mạch máu xung quanh, thòng sâu vào lồng ngực đồng thời bệnh nhân còn bệnh cao huyết áp và tiểu đường kèm theo.
Ca mổ được tiến hành khá suôn sẻ, mặc dù khối u nhiều năm đã bị chai cứng và xơ dính vào các thần kinh, mạch máu, thực quản… nhưng bác sĩ đã nhẹ nhàng bóc tách cắt trọn toàn bộ mô tuyến giáp và u, bảo vệ an toàn các cấu trúc quan trọng, ngăn không cho khối bướu tái phát. Toàn bộ khối u lớn 9x 18cm và cân nặng khoảng 1,1kg đã được bóc tách thành công.
Khối bướu cổ khổng lồ được bóc tách thành công - Ảnh: Bảo vệ Pháp luật |
Trao đổi với báo Sức khỏe và Đời sống, các bác sĩ cho biết, bướu cổ là từ được người dân dùng để chỉ các khối u vùng cổ, có thể là bướu của tuyến giáp, hạch, thần kinh, mạch máu…Trường hợp cô H. là bướu của tuyến giáp. Phần lớn trường hợp bướu giáp là lành tính, chỉ một số ít là ác tính. Bướu giáp có diễn tiến chậm chạp thường kéo dài trong nhiều năm do đó người dân không nên lo lắng về bệnh lý này, ngay cả ung thư giáp cũng có thời gian phát triển rất chậm và rất ít gây nguy hiểm do đó không cần phải siêu âm tầm soát bướu giáp khi không có triệu chứng.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh bướu cổ chủ yếu do thiếu hụt iod trong cơ thể gây ra nhưng không phải cứ bổ sung đủ iod là bệnh sẽ khỏi. Bướu cổ là căn bệnh rất khó chữa trị vì tác nhân của nó liên quan đến hệ thần kinh và khi bình thường thì tuyến giáp sẽ hấp thu iode từ thực phẩm, từ chất dinh dưỡng. Do đó, khi tuyến giáp không nhận được đầy đủ lượng iod thì nó sẽ giảm sản sinh hoóc-môn cho nên để bù đắp cho việc sản xuất hoóc-môn, tuyến giáp phải tăng thêm kích thước làm cho tuyến giáp phình to ra và như thế là tạo thành bướu cổ.
Do dùng thuốc và thức ăn, do dùng kéo dài một số loại thuốc như: muối lithi dùng trong chuyên khoa tâm thần, thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc có chứa iod như thuốc cản quang, thuốc trị hen, thuốc trị thấp khớp, thuốc chống loạn nhịp hoặc do ăn thức ăn có tác dụng ức chế tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp như các loại rau họ cải, măng, khoai mì… Ngoài ra, những phụ nữ bị kích thích thần kinh trong thời kỳ phát triển hoặc có thai và cho con bú cũng dễ bị bướu cổ. Vì vậy, phương pháp tốt nhất để phòng ngừa vẫn là bổ sung đầy đủ lượng iod cho bữa ăn hàng ngày. Nếu đã có dấu hiệu tuyến giáp to ra, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám chẩn đoán và điều trị kịp thời.