Ngày 12/5, tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị vừa thực hiện ca ghép tim cho một nữ bệnh nhân 34 tuổi, quê ở Đà Nẵng, mắc bệnh cơ tim giãn nhiều năm, hiện sức khoẻ bệnh nhân đang tiến triển tốt. Điều đặc biệt là bệnh nhân có nhóm máu AB, là nhóm máu hiếm và kháng thể kháng HLA, khiến việc tìm được người hiến tương thích cực kỳ khó khăn.
Trước đó, bệnh nhân đã được dự kiến ghép tim bốn lần, nhưng tất cả đều phải hoãn lại vì đọ chéo dương tính, tức hệ miễn dịch sẽ đào thải tạng hiến nếu thực hiện. Cơ hội lần thứ năm được đánh giá là “lần sống còn” bởi bệnh nhân đã rơi vào trạng thái vô vọng sau thời gian dài chờ đợi không thành.
Nguồn hiến tim đến từ một người đàn ông khỏe mạnh không may qua đời do tai nạn sinh hoạt dù đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nỗ lực cứu chữa. Trong giây phút đau lòng, gia đình người hiến đã đưa ra quyết định đầy nhân văn: hiến mô tạng của anh để cứu người khác.
Ngày 8/5, sau khi có thông tin từ Trung tâm điều phối tạng Quốc gia đến bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện đã triển khai ngay ê-kíp ra bệnh viện Bạch Mai phối hợp lấy tạng. Quả tim được lấy ra khỏi cơ thể người hiến lúc 18 giờ, sau đó được xử lý, bảo quản đặc biệt và đưa thẳng đến sân bay, vận chuyển về Huế bằng đường hàng không. Cùng lúc, tại Huế, mọi công tác xét nghiệm chuẩn bị cho ca ghép cũng được triển khai gấp rút.
![]() |
Quả tim được gấp rút đưa lên máy bay về Huế ghép cho bệnh nhân. |
“Khoảng gần 22 giờ 30 phút tối, trái tim bắt đầu đập trở lại trong lồng ngực mới, đúng 4 giờ 27 phút sau khi rời Bệnh viện Bạch Mai. Đó là khoảnh khắc cả ê-kíp xúc động không nói nên lời,” Bác sĩ Nguyễn Đức Dũng, trưởng khoa ghép tim, Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ.
Theo Bác sĩ Dũng, ca ghép lần này đặc biệt khó do nhóm máu AB rất hiếm, kết hợp với sự phức tạp trong phản ứng miễn dịch của bệnh nhân. “Từng có bốn lần ghép bị hủy vì không phù hợp. Khi kết quả xét nghiệm lần thứ năm là phù hợp, chúng tôi lập tức kích hoạt toàn bộ hệ thống, không để mất cơ hội”, ông nói.
Ca ghép tim lần này cũng là ca ghép xuyên Việt thành công thứ 16 tại Bệnh viện Trung ương Huế. Dù kỹ thuật và năng lực thực hiện ghép tạng đã nâng cao rõ rệt, các bác sĩ cho biết thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn hiến tặng khi số người cần ghép tăng nhanh nhưng số lượng người sẵn sàng hiến tạng sau khi qua đời còn rất hạn chế.
“Chúng tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân chờ ghép nhưng không thể qua khỏi vì không có tạng phù hợp. Rất mong cộng đồng hiểu rằng hiến tạng là một hành động nhân đạo và có ý nghĩa sâu sắc, một sự ra đi vẫn có thể cứu sống những cuộc đời khác,” bác sĩ Dũng chia sẻ.
Câu chuyện về người đàn ông ra đi trong yêu thương, để lại món quà quý giá cho một người chưa từng quen biết, là lời nhắc nhở mạnh mẽ về giá trị của lòng nhân ái. Mỗi quyết định hiến tạng là một cơ hội sống được nối dài, là cách để tình yêu và sự sống tiếp tục được lan tỏa theo một cơ thể khác.