Khuyên tai theo tiếng Pa Kô gọi là păroih, còn tiếng Vân Kiều gọi là kărvang. Hàng trăm năm về trước, phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều đã biết tìm kiếm những hòn đá suối, đá núi, trái cây nhiều màu sắc để làm vật trang sức. Nhiều nghệ nhân có tay nghề cao đã dùng bạc để sáng chế ra các loại trang sức mới lạ phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của người phụ nữ Vân Kiều.
Đối với trang sức đeo cổ, các nghệ nhân dùng những vòng bạc đặc, to để uốn tròn vừa đủ bó sát cổ hoặc đính các đồng bạc lại với nhau bằng sợi cước thành một vòng tròn và kết hợp với hạt cườm đá đủ sắc màu.
Với vòng, nhẫn đeo tay thì có nhiều kích cỡ khác nhau theo sở thích của từng người. Riêng đôi khuyên tai, các nghệ nhân dùng bạc tạo ra nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng phổ biến nhất là loại hình tròn to khi đeo vào sẽ tăng thêm nét đẹp của gương mặt người phụ nữ Vân Kiều – Pa Kô.
Trong cuộc kháng chiến chống quân địch, những người phụ nữ Vân Kiều đã lợi dụng lợi thế là chiếc khuyên tai để cất giấu tài liệu cho các cán bộ cách mạng. Có hai loại khuyên tai được làm ra để phục vụ cho việc vận chuyển tài liệu mật đó là loại dùng gỗ nhẹ, rỗng bên trong, sau đó bọc lớp bạc mỏng bên ngoài (loại khuyên tai này dùng để vận chuyển tài liệu mật bằng giấy) và loại dùng ống tre già, nhỏ, bọc bên ngoài lớp bạc mỏng, hai bên đầu đeo tai dán hai miếng gương tròn vừa với lỗ rỗng của khuyên tai (dùng để vận chuyển đá lửa). Những loại khuyên tai này thường tròn, to hơn loại khuyên tai vốn có để đảm bảo sức chứa bên trong.
Được biết những chiếc khuyên tai bằng bạc đặc biệt ấy ở các bản làng Pa Nho, A Bung, A Vao, Tà Rụt được biết, sau giải phóng phần lớn đồ trang sức của họ không còn. Lý do chủ yếu là trong những năm khó khăn, họ đã bán hoặc đổi khuyên tai bằng bạc lấy nhiều loại hàng hóa khác phục vụ cho cuộc sống nghèo khó hàng ngày.
Ngày nay, những người phụ nữ Vân kiều ít đeo khuyên tai bằng bạc, chúng chỉ còn giữ ở một số gia đình coi như trang sức kỉ niệm.
Tuệ Linh