Vừa qua, mạng xã hội lan truyền một đoạn video ghi lại cảnh cô giáo viên chủ nhiệm N.T.P đồng thời là giáo viên “Giáo Dục Công Dân” vào tiết học buổi sáng ngày 29/09/2023 tại hành lang lớp học 12D4 có hành vi kéo lê em N.T.K.C là bí thư của lớp, không rõ nguyên nhân và có những lời lẽ không đúng đắn đối với cương vị của một giáo viên đối với học sinh.
Hành động này của cô giáo N.T.P đã được một học sinh trong rất nhiều học sinh chứng kiến quay phim lại. Ngay sau đó thước phim được sự quan tâm rất đông đảo từ xã hội, từ các phụ huynh học sinh đang có con em đi học, từ những người đang làm giáo dục, những bậc lãnh đạo đang ngày đêm phụng sự nhân dân, tổ quốc cũng phải giật mình, lo lắng trước hành vi của người làm giáo dục với học sinh của mình, những nhân lực tương lai của đất nước.
Hình ảnh em bí thư N.T.K.C bị giáo viên chủ nhiệm túm cổ áo, kéo lê ở hành lang được cho rằng xuất phát từ việc em được cô N.T.P giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật nhưng vì một lý do nào đó mà em không đặt đúng như cô yêu cầu.
Trong quá trình điều tra sơ bộ cô N.T.P thừa nhận hình ảnh trong video là những hành động ứng xử giữa cô và bí thư của lớp. Cô cho rằng “do em N.T.K.C sức khoẻ không tốt nên đã nằm ra cửa lớp và trong lúc nóng vộicô đã lôi kéo em gây hiểu lầm”. Hiện tại sự vụ đang được sở GD&ĐT Hà Nội cùng các cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ, đồng thời tạm đình chỉ công tác giảng dạy của cô giáo N.T.P để phục vụ điều tra.
Những tình trạng như thế này cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra và có thể sẽ còn tiếp tục xảy ra dưới nhiều hình thức khác nữa. Đối với những người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, yêu giáo dục và thấu hiểu rằng giáo dục chính là một trong những nhiệm vụ bảo vệ và phát triển tổ quốc thì đây là một hành động cần phải được xem xét một cách cẩn trọng và không được phép xem thường. Chắc chúng ta quên “người làm giáo dục thì cần phải được giáo dục một cách chuẩn mực”.
Theo chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã từng nói rằng “Mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục”. Người luôn nhắc nhở các nhà giáo và những người làm giáo dục phải biết đặt lợi ích của đất nước, của giáo dục lên trên lợi ích cá nhân: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước. Phải có chí khí cao thượng, phải ‘tiên ưu, hậu lạc’ nghĩa là khó khăn thì chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng, tinh thần trung thành, yêu tổ quốc, yêu đồng bào”.
Có lẽ nào chỉ vì một miếng bánh không đúng yêu cầu, mà một cô giáo mang trách nhiệm “Giáo Dục Công Dân” lại cho rằng bản thân trở nên nóng vội trong hành xử để gây nên hiểu lầm trước đông đảo học sinh của mình? Lẽ nào cô quên rằng cô là một trong những người đại diện cho quốc gia đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước? Lẽ nào cô quên rằng cô đang nhận nhiệm vụ cao cả của tổ quốc giao phó? Phải chăng những hành động ứng xử giữa cô N.T.P và học sinh của mình, cho dù là vô tình hay cố ý thì chúng ta, những người đang làm giáo dục, tức là đang nhận nhiệm vụ vinh quang của tổ quốc giao phó phải tự kiểm điểm lại chính mình hay không?
Học sinh, những thế hệ trẻ là tương lai của đất nước đang đi học tập, phấn đấu và trong tương lai là những người phát triển đất nước, chính vì vậy chúng ta, những người làm giáo dục luôn phải có trách nhiệm tối cao, phải có tinh thần tự giáo dục bản thân mình để xứng đáng với nhiệm vụ, vị trí của mình, dẫn dắt các em trở thành những công dân tốt cho đất nước, cho xã hội. Giáo dục là căn cốt của một quốc gia, cho nên tất cả những hành động chống lại nỗ lực xây dựng một quốc gia văn minh, tốt đẹp đều có thể được coi là tội “phản quốc”.
Chúng ta, những người làm giáo dục, phải noi gương các anh hùng liệt sỹ, hy sinh lợi ích cá nhân, mạng sống của mình để bảo vệ tổ quốc, noi gương tấm gương sáng của Hồ Chủ Tịch vĩ đại, khi đã nhận nhiệm vụ của quốc gia thì phải có tinh thần yêu nước hơn yêu thích lợi ích riêng của mình, một lòng phụng sự dân tộc, tổ quốc.
Cha anh đi trước, xả thân vì đất nước, đương thời vẫn có những người lính ngã xuống trên mọi mặt trận để đảm bảo an bình cho xã hội, để các em những chủ nhân tương lai của đất nước được hưởng thái bình, học tập, rèn luyện, để chúng ta, những người làm giáo dục được yên tâm trau dồi năng lực của bản thân mà phụng sự quốc gia.
Người làm giáo dục mà không tận tâm vì tương lại của dân tộc trong đó có tương lai của chính con cháu mình, gia đình mình thì đó chính là “phản bội” tổ quốc, “phản bội” dân tộc, “phản bội” lại lòng tin của nhân dân.
Đến lúc chúng ta phải hiểu rằng vấn đề của một nền giáo dục đầu tiên là phải giám sát và giáo dục người làm giáo dục một cách chặt chẽ và chuẩn chỉ. Đối với những người đã bước chân vào con đường làm giáo dục thì phải có tinh thần tự giám sát, tự giáo dục chính bản thân mình một cách nghiêm túc, không khoan nhượng. Chúng ta không thể biện minh cho những hành vi của mình bằng những lý do hết sức ngây ngô rằng “nóng vội”, “mất bình tĩnh” hay đại loại những lý do có tính chất coi thường nhiệm vụ cao cả của đất nước như vậy.
Chúng ta không đi tìm người đổ lỗi cho những “sự cố”, mà chúng ta nên nhìn nhận thẳng vào vấn đề để phụng sự tổ quốc cho tốt, xây dựng tổ quốc ngày càng tươi đẹp. Đó mới là yêu nước, đó mới là những cán bộ trung thành với nhân dân, đó mới là những hành động tử tế mà chúng ta cần phải nghiêm túc thực hiện. Học sinh sai, thì còn có cơ hội để sửa, chúng ta, những người làm giáo dục mà sai, thì cơ hội để sửa chữa cho những ảnh hưởng của sự sai trái của chúng ta đến tương lai của đất nước là rất khó khăn. Chúng ta, những người làm giáo dục, cần phải được giáo dục, vì tương lai của quốc gia, dân tộc!