Chăm sóc sức khỏe tâm thần: Thiếu trầm trọng nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Ngày 3/8 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo Xây dựng đề án tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023-3030. Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế như UNICEF, WHO, các thành viên Ban Soạn thảo và Tổ biên tập Đề án, lãnh đạo các bệnh viện chuyên khoa tâm thần và các hội nghề nghiệp chuyên ngành.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, trong đó các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tâm thần… có chiều hướng gia tăng. Việt Nam cũng chịu những tác động lớn do già hóa dân số, tỷ lệ người khuyết tật cao (khuyết tật thần kinh) và hậu quả từ đại dịch COVID-19. Trong khi đó, so với các chuyên ngành khác, sức khỏe tâm thần là lĩnh vực sức khỏe cộng đồng ít được quan tâm hơn.

Kết quả khảo sát năm 2022 của Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho thấy: Có 61,3% (398/649) bệnh viện huyện/trung tâm y tế quận huyện tổ chức khám chữa bệnh ngoại trú cho người bệnh tâm thần, nhưng chỉ có 9.1% (59/649) cơ sở tuyến quận, huyện tổ chức khám, chữa bệnh nội trú cho bệnh này. Kết quả này cho thấy khoảng trống lớn về điều trị rối loạn tâm thần tại tuyến quận, huyện.

Dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chủ yếu là điều trị bằng thuốc. Cả nước có khoảng 100 triệu dân, trong đó có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu.

Tuy nhiên dịch vụ tâm lý lâm sàng chưa phải là dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả, do vậy các nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu chủ yếu được coi là kỹ thuật viên và làm các trắc nghiệm tâm lý, không phải dịch vụ tâm lý lâm sàng thực sự. Các dịch vụ phục hồi chức năng tâm thần cũng rất hạn chế. Không có dịch vụ sức khỏe tâm thần chính thức cho người dân bị tác động của thiên tai, thảm họa ví dụ như lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh (như đại dịch COVID19).

Theo báo cáo của WHO năm 2019, cứ 8 người thì có 1 người - tương đương 970 triệu người trên thế giới đang chung sống với rối loạn tâm thần, 14% thanh thiếu niên rối loạn lo âu và trầm cảm là các rối loạn tâm thần phổ biến nhất. Hơn 20% người trưởng thành từ 60 tuổi trở lên có rối loạn tâm thần hoặc thần kinh (không bao gồm rối loạn đau đầu). Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng.

Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần Trung ương, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân.

Theo Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, có tới 8-20% trẻ em và vị thành niên Việt Nam gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần chung. Nghiên cứu trên các nhóm đối tượng đặc biệt khác cũng cho thấy tỷ lệ trầm cảm trong khi mang thai là 5% và trầm cảm sau sinh là 8,2%, tỷ lệ mắc mới trầm cảm sau sinh là 6,5% (2018), tỷ lệ trầm cảm ở người bệnh ung thư phổi là 24,6% (2017).

Hàng tỷ người trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đang có tác động sâu hơn đến sức khỏe tâm thần của con người, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng ngắn hạn và dài hạn và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Các ước tính cho thấy sự gia tăng của cả rối loạn lo âu và trầm cảm ở mức hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch.

Bên cạnh đó, nhận thức sai lầm và sự kỳ thị của xã hội đối với người bệnh mắc rối loạn tâm thần: đa số coi rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt mà không biết rằng rối loạn tâm thần có nhiều loại khác nhau như trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần do rượu... Ảnh hưởng của văn hóa xã hội và sự thiếu hiểu biết đã dẫn đến việc kỳ thị người bệnh mắc rối loạn tâm thần, không chấp nhận các chẩn đoán rối loạn tâm thần đưa đến sự chậm trễ trong quá trình chẩn đoán, điều trị và tìm đến các phương pháp điều trị cực đoan.

Hầu hết người dân chưa được nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần: Dịch vụ sức khỏe tâm thần chủ yếu có ở cơ sở chuyên khoa tuyến trung ương và tỉnh. Tuyến huyện và xã chủ yếu quản lý, điều trị tâm thần phân liệt và động kinh, trong khi đó theo điều tra của Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 thì hai bệnh này chỉ chiếm khoảng 0,5% dân số và tổng các rối loạn tâm thần là 14,2% dân số. Ước tính 0,5% rối loạn tâm thần khác được điều trị tại cơ sở chuyên khoa, như vậy có tới trên 90% người rối loạn tâm thần chưa được nhận dịch vụ chính thức, trong khi đó tình hình rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng về số lượng cũng như đa dạng thêm về nhiều mặt bệnh như lo âu, nghiện chất, sa sút trí tuệ, tự kỷ, tăng động giảm chú ý…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các mục tiêu của Đề án như: Tăng cường lãnh đạo, điều hành, phối hợp liên ngành của các bộ, ngành, chính quyền các cấp và huy động xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần; nâng cao sức khỏe tâm thần và dự phòng các rối loạn tâm thần; củng cố năng lực và tính hiệu quả của nguồn nhân lực sức khỏe tâm thần về dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội đối với người có rối loạn tâm thần; củng cố hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần để cung cấp dịch vụ y tế và xã hội toàn diện, lồng ghép, liên tục và dựa vào cộng đồng.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.