Chỉ sau đúng 10 năm, từ vùng quê đất Mường xa lắc ở xứ Thanh, cô gái sinh năm 1995 Quách Thị Lan đã bước lên đỉnh châu lục trong một hành trình tưởng như đầy hanh thông mà trải đầy chông gai, thậm chí nhiều nghịch cảnh. Và cuộc chinh phục ngoạn mục ấy của Lan luôn có sự song hành của người anh trai ruột Quách Công Lịch. Họ đã cùng tạo nên một hiện tượng đặc biệt không chỉ với điều kinh Việt Nam mà cả châu Á.
Lan mới 24 tuổi, còn Lịch 26. Trước mắt họ là cả bầu trời sáng rộng, là những đỉnh cao vẫy gọi. Với họ, đường chạy là tình yêu và đam mê, mỗi buổi tập là một niềm vui thật tự nhiên và bình dị. Và rất có thể, ngay trong năm nay, cặp anh em nhà họ Quách đất Mường xứ Thanh này sẽ mang về cho điền kinh Việt Nam 4-6 HCV.
Cô gái người Mường bay lên đỉnh châu lục
Được phát hiện từ một giải Hội khỏe Phù Đổng năm 14 tuổi, cô gái người Mường Quách Thị Lan đã lập tức đồng ý rời nhà lên tỉnh tập luyện vì vừa được bao cấp ăn ở lại có thêm vài trăm nghìn mỗi tháng gửi về nhà. Cũng chính từ suy nghĩ đơn giản ấy, Lan lao vào tập luyện miệt mài đến mức mê mải, để rồi những tố chất cùng sức vóc hơn người đã sớm phát lộ một cách đáng kinh ngạc.
Ở ngay lần đầu ra ràng, tại giải VĐQG 2012, gương mặt lạ hoắc này đã khiến cả làng điền kinh choáng váng khi đoạt ngay tấm HCV nội dung 400m rào với thông số phá kỷ lục tồn tại tới 10 năm. Ngay lập tức, Lan được đặc cách triệu tập vào ĐTQG. Thêm một năm ăn tập, thiếu nữ có hình thể vượt trội đã đạt tới trình độ để được giao phó trọng trách giành Vàng SEA Games, thậm chí châu lục. Và kể từ đây, nghiệp đầu của tuyển thủ họ Quách đã luôn song hành giữa ranh giới của chiến thắng cùng thất bại, với những thử thách ghê gớm.
Kỳ SEA Games đầu tiên của mình, năm 2013, tài năng 18 tuổi đã phải nếm trải nỗi đau và sự nuối tiếc để đời khi để vuột tấm HCV 400m rào nữ tưởng như trong tầm tay. Dù sớm vượt lên dẫn đầu, bỏ xa các đối thủ song chẳng hiểu tại sao Lan lại đuối sức trong những mét cuối, quỵ ngã ngay trên vạch đích, bất tỉnh.
Lan đã có thêm rất nhiều động lực sau cú ngã đớn đau ấy với quyết tâm “ngã đâu đứng lên đúng chỗ đó” được thể hiện trong những buổi tập có khối lượng liên tục được nâng cao. Để rồi đúng một năm sau, tại Asiad 2014, đã tạo nên cơn địa chấn với tấm HCB lịch sử ở đường chạy 400m nữ khi chỉ chịu thua đối thủ người Bahrain nhập tịch từ châu Phi.
Như một nghịch lý, từ kỳ tích Asiad, Lan được đầu tư chuyên biệt hơn, vẫn tập luyện hết sức chuyên nghiệp mà lại luôn bị thành công ngoảnh mặt. Sự xuống phong độ của nhà Á quân Asiad kéo dài tới 4 năm, có thời điểm tưởng như không thể cứu vãn. Lan chỉ là bóng mờ bên cạnh đàn chị chỉ quanh năm suốt tháng rèn tập trong nước Nguyễn Thị Huyền. Việc không thể giành nổi tấm HCV cá nhân nào ở SEA Games là nỗi ám ảnh với Lan.
Tuy nhiên điều quan trọng, Lan không bao giờ nản, thay vào đó cứ lặng lẽ rèn điểm mạnh, vượt điểm yếu cho một sự trở lại. Và đó chính là năm 2018, khi Lan đã tạo nên một cuộc bùng nổ khó tin, bên ông thầy mới Vũ Ngọc Lợi. Trong vai người đóng thế Nguyễn Thị Huyền bất ngờ nghỉ thi đấu, Lan đã có một màn trình diễn siêu hạng trên đường chạy 400m rào, để giành tấm HCB, và vẫn chỉ chịu thua một đối thủ người Barain nhập tịch châu Phi khác. Ngoạn mục không kém, Lan còn làm đầu tàu để mang về cho điền kinh Việt tấm HCĐ nội dung tiếp sức 4x 400m nữ.
Với những gì đã thể hiện, Quách Thị Lan đang được kỳ vọng sẽ rực sáng tại SEA Games, với khả năng có thể giành tới 4 HCV.
Hành trình kỳ lạ của anh em nhà họ Quách
Trên hành trình bước lên đỉnh châu lục của Quách Thị Lan, vô cùng đặc biệt và thú vị vì luôn có sự song hành của người anh trai ruột Quách Công Lịch.
Quách Công Lịch hơn em 2 tuổi nhưng đến điền kinh sau Lan. Ban đầu Lịch đã bị bố mẹ Lịch kịch liệt phản đối vì cho rằng nhà đã có một cô con gái theo thể thao là quá đủ. Cuối cùng cả hai anh em đã phải nỗ lực thuyết phục bền bỉ trong mấy tháng trời mới nhận được cái gật đầu.
Như một định mệnh, dù xuất phát điểm nhảy cao song Lịch chỉ thực sự chứng tỏ được tố chất của mình khi chuyển sang tập luyện các nội dung 400m và 400m rào giống như em gái. Cũng giống hệt Lan, Lịch đã tỏa sáng tại giải điền kinh VĐQG 2012 với 1 tấm HCV 400m rào, rồi tiếp bước em gái thẳng tiến vào ĐTQG. Họ đã tạo nên một hiện tượng có một không hai ở làng điền kinh Việt Nam.
Bản thân Lịch chưa bao giờ chạnh lòng trước thành công vượt trội của em gái, ngược lại còn coi đó như một động lực để phấn đấu hết mình. Sau một kỳ Asiad thảm bại vì chấn thương, Lịch đang trở lại mạnh mẽ, từ những buổi tập mê mải với khối lượng và cường độ ngày một tăng cao.