Chàng trai Hà Nội ‘tranh giành’ với các bác để được hiến gan cho mẹ

(Ngày Nay) - 12 tuổi Quân muốn hiến thận để ghép cho bố bị suy thận nhưng không được vì còn quá bé, lớn lên chàng trai đã hiến gan cứu mẹ.
Nguyễn Trung Quân (bên phải) và mẹ. (Ảnh: Nam Phương)
Nguyễn Trung Quân (bên phải) và mẹ. (Ảnh: Nam Phương)

Trong cơ thể mình, chàng trai trẻ Nguyễn Trung Quân 26 tuổi, Hà Nội, chỉ còn gan bên trái, phần gan phải lớn nhất chiếm hơn 2/3 kích thước của toàn bộ gan cậu đã dành tặng cho mẹ.

Dù vậy cậu không bao giờ hối tiếc mà vui khi thấy sức khỏe của mẹ khá lên từng ngày, ăn uống tốt hơn, da dẻ đẹp lên chứ không sạm, xấu như trước, cân nặng lại tăng lên được 37 kg (trước 34 kg).

Ngay cả trước khi bác sĩ có chỉ định mẹ phải ghép gan, cậu đã nói với mẹ: “Nếu mẹ phải ghép, con sẽ sẵn sàng hiến gan của con cho mẹ”.

Năm 2008, mẹ anh thấy ngứa, da sần nghĩ bị dị ứng nên đi khám, sau đó thì phát hiện xơ gan mật nguyên phát - một bệnh gan mạn tính. Bà điều trị nhưng tình trạng không ổn định, các chỉ số xét nghiệm chức năng gan lên xuống thất thường. Ra nước ngoài điều trị cũng không hiệu quả, các bác sĩ khuyên để sức khỏe ổn định thì tốt nhất mẹ anh cần được ghép gan.

Anh vẫn nhớ lúc đó mẹ rất gầy, suốt ngày hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, sụt cân, thường xuyên bị hạ đường huyết, da sạm, vàng da, vàng mắt...

Khi mẹ về nước vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) điều trị, anh đã chia sẻ với các bác sĩ về nguyện vọng hiến gan cho mẹ. Bà Phạm Vân Thanh 56 tuổi, mẹ Quân kể lại khi đó các anh chị của bà cũng đến bệnh viện xét nghiệm để hiến gan nhưng Quân nhất quyết không đồng ý.

Chàng trai đến gặp bác sĩ và bảo: “Em phải là số một, ưu tiên cho em để em ghép cho mẹ em. Em ghép cho mẹ em là hợp nhất. Bác sĩ đừng lấy của ai cả”.

“Lúc đó tôi cũng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Nếu ca ghép không thành công thì khổ cả mẹ cả con. Nhiều đêm tôi chỉ nằm khóc thương con, bố mẹ già yếu trong khi con là trụ cột chính của gia đình. Tôi muốn xin một phần gan của anh chị nhưng cháu nó không cho. Nó bảo nó còn trẻ nên gan tái tạo nhanh hơn”, bác Thanh xúc động nói.

Ngày 7/10/2017, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện ca ghép gan cho bà Thanh, người hiến gan là con trai - Quân.

Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108 cho biết, bệnh nhân Thanh bị xơ gan mật giai đoạn cuối, vào viện trong tình trạng suy gan; da, mắt vàng; xét nghiệm chức năng gan suy rất nặng. Với diễn tiến bệnh như vậy nếu không ghép gan, người bệnh chỉ có thể sống được vài tháng. Rất may mắn là người con trai đã tình nguyện hiến một phần gan cho mẹ.

Các bác sĩ đã cắt toàn bộ gan bên phải của chàng trai để ghép cho mẹ. Khác với các tạng khác, gan có thể tái tạo, phì đại trở lại, không trở về kích thước gan bình thường nhưng trọng lượng đủ lớn. Vì thế, sau ca ghép, xét nghiệm chức năng gan của Quân đều bình thường.

Quân cũng chia sẻ, hiện giờ anh thấy sức khỏe của mình bình thường, có thể tập gym, chạy bộ, bơi lội, lái xe, hiện làm việc cho một công ty nước ngoài. Anh cũng đã đăng ký hiến mô, tạng khi chết, chết não. Trong khi đó, sau ca ghép bà Thanh cũng thấy sức khỏe của mình khá lên rất nhiều, dần ổn định, 3 tháng sau ghép ăn uống tốt hơn.

Cũng theo bà Thanh, từ lúc 12 tuổi Quân đã có ý hiến tạng. Khi đó biết bố bị suy thận, cần được ghép thận, Quân đã nói với bố: “Bố ơi, bố đừng buồn. Bố không phải đi kiếm tạng đâu cả, con sẽ là người hiến cho bố một quả thận để bố ghép”. Nghe được điều đó, người cha đã không cầm được nước mắt, cảm ơn con: “Nhưng con còn quá nhỏ, bố không thể lấy tạng của con được”.

“Và giờ đến lượt tôi, tôi cũng cảm ơn con vì đã dành tặng cho mẹ một phần lá gan”, người mẹ xúc động nói.

Theo VTC

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.