“Mọi người từng chê cười tôi”
Sinh ra trong gia đình nông thôn nghèo trên mảnh đất Kỳ Anh (Hà Tĩnh), từ nhỏ Lê Thái Bình (sinh năm 1988) đã phải chịu nổi đau thể xác do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ ông nội. Ngay từ khi sinh ra, đôi chân Bình không được lành lặn. Không những thế, đến giọng nói của Bình cũng “méo mó”, điều này trở thành rào cản lớn khiến Bình khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người.
Tuổi thơ của Bình là những ngày tháng cơ cực, Bình chẳng có gì, tứ chi khiếm khuyết, không bạn bè, cả ngày chỉ biết làm bạn với 4 bức tường.
Bình tâm sự: “Nếu như bạn bè cùng trang lứa có thể chạy nhảy, vui đùa, cùng nhau đi học, thì tôi phải dựa vào chiếc xe ba bánh để di chuyển, cảm giác thật bất lực. Đã từng có thời gian tôi tự dằn vặt bản thân, trách ông trời sao sinh tôi ra trên đời nhưng không cho tôi được lành lặn như bao người khác”.
Mang đôi chân và đôi tay tật nguyền, 11 tuổi Bình mới chập chững những bước đi đầu đời. Mãi đến năm 12 tuổi, Bình mới cắp sách đến trường với những lời trêu chọc của lũ trẻ trong làng. “Họ vô tâm bắt chước cái giọng nói “méo mó”, cái dáng đi lèo khoèo của tôi như một trò chơi thú vị, xem tôi như một đứa chẳng giống người” - Bình buồn bã kể.
Bỏ ngoài tai tất cả, Bình vẫn có một niềm tin về tương lai. Suy nghĩ của Bình là phải học thật giỏi mới có thể thay đổi được số phận. Thế nhưng cuộc đời lại một lần nữa thử thách Bình. Dù luôn cố gắng học tập, nhưng đến năm lớp 5 Bình lại phải nhập viện vì sức khoẻ quá yếu. Những tưởng mong ước của cậu bé khuyết tật như Bình sẽ bị dập tắt, thì một tia sáng lại le lói. Một lần tình cờ, Bình được giới thiệu đến với trung tâm dạy nghề người khuyết tật Hà Tĩnh. Đó cũng là cơ hội cho Bình hay chính xác hơn là bước ngoặt của cuộc đời Bình. Ở đó Bình đã chọn Tin học để học và theo đuổi nghề.
Đám cưới cổ tích giữ chàng khoèo và nàng gù
Kể từ khi chọn được con đường riêng cho mình, cuộc đời Bình như bước sang trang mới. Có ước mơ, có hoài bão. Với Bình, khoảng thời gian học tập tại trung tâm dạy nghề người khuyết tật Hà Tĩnh vô cùng ý nghĩa. Đó không chỉ là nền móng dạy cho Bình những kiến thức bổ ích mà nơi đây còn là nơi lưu giữ kỷ niệm của Bình và vợ sau này.
Vợ Bình là Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1989). Khi mới sinh ra, Vân đã phải mang khối u sau lưng, lâu dần ảnh hưởng đến tứ chi, đốt sống cũng như sự phát triển về chiều cao, cân nặng. Tuy ở tuổi dậy thì nhưng Vân chỉ cao chưa đầy 1,2m và nặng 28kg.
Năm 2008, Bình hoàn thành xong khóa học ở Trung tâm và quyết định về quê tìm việc làm. Ngày Bình có công việc ổn định có thể nuôi sống bản thân, cũng là ngày Bình và Vân quyết định xin phép bố mẹ hai bên được nên duyên vợ chồng. Nhưng khi biết hai người có ý định muốn thành đôi thì cả hai bên gia đình đều lên tiếng ngăn cấm. “Các con là người khuyết tật, lấy nhau về biết làm gì mà ăn” - Mẹ Bình nói trong nước mắt. Thế nhưng vì tình yêu sâu đậm mà Bình và Vân đã kiên trì thuyết phục hai bên gia đình. Cuối cùng, vì thấy cả hai quá quyết tâm, cũng một phần vì thương con nên họ đã chấp thuận.
Ngày 11/12/2010 Bình và Vân tổ chức đám cưới. Đám cưới rất đông người đến chúc mừng. Họ đến chung vui cũng có, mà tò mò hiếu kỳ trước hai con người khuyết tật, không hoàn hảo cũng có. Một đám cưới vui, nhưng nước mắt lại nhiều hơn nụ cười. Nhìn Bình đi xiêu vẹo bên cô dâu lưng gù mà ai cũng rơi nước mắt. Mẹ Bình khóc, các dì, các bác rồi anh em, họ hàng ai cũng rơm rớm nước mắt. Người đi xem cũng quẹt vội dòng lệ trước lời nói nghẹn ngào của cha và họ hàng nhà gái.
Gia đình nhỏ của Lê Thái Bình |
Thời gian thấm thoát trôi quá, đã hơn vài năm khi hai vợ chồng về chung một nhà. “Khi chúng tôi muốn có con, nhiều ý kiến bàn ra, tán vào: Hai người bị tật sinh con ra cũng bị tật thì sinh làm gì cho khổ”. Nhưng cũng giống như những cặp vợ chồng trẻ khác, ai cũng có quyền khao khát được làm cha, làm mẹ và vợ chồng Bình cũng không ngoại lệ, dù chỉ là hy vọng nhỏ nhất. Khi biết vợ mình có thai, đi khám bác sĩ nói thai phát triển bình thường, niềm vui lại chen lẫn với những dòng nước mắt. Tiếng con gái khóc chào đời trong sự vui sướng của cả làng, niềm hạnh phúc như vỡ òa trong lòng Bình. Cả hai vợ chồng ngắm con gái nhỏ mà mắt rơm rớm: “Cuối cùng tôi cũng có một gia đình nhỏ của mình, một tổ ấm bình yên như những người bình thường khác. Ai bảo người khuyết tật không thể lấy vợ, không thể sinh con? Mọi người thấy đấy, con gái tôi lành lặn và xinh xắn như những đứa trẻ khác!”.
Nhìn con gái lớn lên từng ngày Bình như quên hết những chuyện không vui thời thơ ấu của mình. Một ước mơ lớn lao của hai vợ chồng khuyết tật, hy vọng con gái lớn lên khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Năm năm ân nghĩa vợ chồng, giờ có thêm một đứa con gái đã làm cho tổ ấm gia đình Bình thêm mỹ mãn và đong đầy hạnh phúc.
“Tôi sẽ sống thật lâu để giúp đỡ mọi người”
Trải qua gần nửa cuộc đời với nhiều nốt thăng, nốt trầm. Cái suy nghĩ từng oán trách cuộc đời của Bình dần như tan biến. Bình nhận ra rằng ông trời không bao giờ đối xử tệ bạc với bất kỳ ai, có chăng là đang thử thách lòng kiên trì và nghị lực vượt qua bản thân mà thôi. “Tuy có một thân hình “khuyết” nhưng trái tim tôi thì luôn lành lặn. Tôi có một tổ ấm nhỏ hạnh phúc, một gia đình lớn luôn yêu thương và ủng hộ thì chả có lý do gì để tôi cảm thấy tự ti. Ngoài kia còn có nhiều mảnh đời bất hạnh hơn tôi, khổ hơn tôi. Tôi đã làm được và tôi sẽ truyền nghị lực này đến những mảnh đời nghiệt ngã đấy.” - Bình nở nụ cười.
Lê Thái Bình bên tủ sách “Hướng thiện từ trái tim” |
Cũng chính vì khao khát chia sẻ yêu thương đến với những người đồng cảnh mà Bình mạnh dạn lập ra Đội tình nguyện Kỳ Anh và nhóm Hướng thiện từ trái tim nhằm kết nối các bạn trẻ lại với nhau tổ chức chương trình từ thiện giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
“Các thành viên của nhóm Hướng thiện từ trái tim đều xuất phát từ lòng nhân ái. Tuy không giàu tiền, giàu bạc nhưng mọi người đều muốn góp một phần sức lực của mình để những mảnh đời bất hạnh vững tin hơn trong cuộc sống.” - Thái Bình tâm sự.
Từ năm 2013 đến năm 2019 tổ chức thiện nguyện của Bình đã có nhiều chương trình từ thiện trên địa bàn Kỳ Anh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Cưu mang giúp đỡ hàng nghìn cụ già neo đơn, người khuyết tật, trẻ em khó khó khăn. Tổng trị giá kết nối lên đến 2 tỷ đồng.
Lan tỏa tình yêu thương đến những người đồng cảnh ngộ |
Riêng trong năm 2019, nhóm Hướng thiện từ trái tim đã kết nối gần 500 triệu đồng, tạo được những chương trình mang tính xã hội cao, thu hút đông đảo tuổi trẻ và các nhà hảo tâm đồng hành, mang tiếng cười cho hàng ngàn trẻ em, động viên khích lệ hàng trăm hoàn cảnh khó khăn, cụ già neo đơn, người khuyết tật.
Đặc biệt, trong năm nay, nhóm tình nguyện của Thái Bình đã không quản mưa gió, vượt lũ mang lương thực đến cứu trợ người dân vùng rốn lũ Hà Tĩnh. Tuy di chuyển khó khăn nhưng trưởng nhóm Thái Bình vẫn hăng say cùng các thành viên trong nhóm mang những gói mì, chai nước đến tận tay người dân vùng lũ.
Nhóm tình nguyện cứu trợ người dân vùng lũ |
Ngoài những công việc hàng ngày, Bình còn mở thêm không gian đọc sách Thái Bình. Kể từ khi mở tiệm Internet tại quê nhà, Bình cũng nhen nhóm ý định mở tủ sách miễn phí cho người dân đến đọc.
“Việc người nông dân ở vùng nông thôn có thể tiếp cận với sách không hề dễ dàng. Mọi người xung quanh tôi, ai nấy đều phải lo làm ăn, kiếm sống, họ không có nhiều tiền để mua sách. Trẻ em ở đây ngoài sách giáo khoa, các em cũng không cơ hội tiếp cận với những cuốn sách khác”.
Với suy nghĩ đó, Bình đã mở tủ sách “không gian đọc sách Thái Bình”. Hơn 1 năm hoạt động, tủ sách của Bình đã kết nối được gần 2,500,000 đầu sách phục vụ cho gần 1000 độc giả, khơi dậy văn hóa đọc cho hàng trăm người nông dân, nhất là trẻ em nông thôn. Đồng thời, Bình muốn tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội đọc những cuốn sách hay, giá trị để nâng cao kiến thức trong cuộc sống, làm ăn.
Lê Thái Bình nhận bằng khen do tỉnh Hà Tĩnh trao tặng |
Cứ thế, Bình dành phần lớn thời gian của mình để giúp đỡ mọi người. Mang hơi ấm của một trái tim lành lặn lan tỏa khắp thế gian. Hơn hết, Bình còn cảm thấy những việc làm của mình càng có ý nghĩa hơn khi được sự ủng hộ hết mình của vợ.
Từ một cậu bé luôn tự ti với ngoại hình của mình, giờ đây Thái Bình đã trở thành động lực sống cho mọi người. Bình có một nghị lực phi thường khiến nhiều người nể phục.
“Biết rằng con đường mình đang đi là rất dài và sẽ còn có nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng chỉ cần có niềm tin, tôi sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đi hết con đường còn lại. Tuy không có được sức khỏe như người khác nhưng tôi sẽ cố gắng sống thật lâu để giúp đỡ nhiều người hơn nữa” – Thái Bình nói thêm.