Sáng 24/5, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), điểm đo tại thôn Đồi Ngô, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ghi nhận có chất lượng không khí ở mức 243, rất có hại cho sức khỏe. Mức chỉ số từ 201 - 300 cảnh báo chất lượng không khí ảnh hưởng tới sức khỏe tất cả người dân.
Khu vực Bắc Bộ ghi nhận nhiều điểm đo có chất lượng không khí ở mức 151 - 200, mức có hại cho sức khỏe. Các điểm đo ghi nhận mức chỉ số này gồm: Thư viện xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng có chỉ số 151; xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có chỉ số 160; Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen, quận Ba Đình, Hà Nội, có chỉ số 180; đường Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, có chỉ số 157; Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có chỉ số 153.
Tại mức chỉ số chất lượng không khí từ 151-200, tất cả người dân có thể bắt đầu cảm nhận được các ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhóm người nhạy cảm với ô nhiễm không khí bị ảnh hưởng nặng hơn.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương có diễn biến xấu, đồng thời do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt... khiến khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí bị hạn chế, đặc biệt là bụi. Do đó, các địa phương cần tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí; tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường...