Khi còn vận động tranh cử, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã nói rõ rằng ông muốn thiết lập lại mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh hàng đầu, đặc biệt là các nước châu Âu. Nhưng mâu thuẫn vẫn có thể xảy ra nếu châu Âu tiếp tục công kích các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ.
Trong tuần này, Liên minh châu Âu đã công bố cáo buộc chống độc quyền chính thức đối với Amazon vì đã lạm dụng vị thế thống trị trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến, đồng thời mở cuộc điều tra thứ hai về hoạt động kinh doanh của công ty này.
Emre Peker, giám đốc công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group tại Châu Âu cho biết: “Cáo buộc nhắm vào Amazon cho thấy mong muốn duy trì áp lực chống độc quyền đối với công nghệ Mỹ của các nước châu Âu".
Đánh thuế kỹ thuật số
Dù đã được đem ra thảo luận từ lâu, nhưng việc áp đặt các quy tắc đánh thuế đối với các công ty công nghệ vẫn chưa thể được triển khai do Mỹ cùng các quốc gia châu Âu chưa thể đạt được thỏa thuận dù có sự giúp sức của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Elke Asen, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Chính sách Thuế Toàn cầu cho biết sẽ rất khó để chính phủ Mỹ chấp nhận cho châu Âu đánh thuế các công ty của mình.
Trong lịch sử, các công ty như Google hay Facebook chỉ được yêu cầu nộp thuế đối với thu nhập tại quốc gia nơi họ ghi nhận lợi nhuận của mình. Nhưng các nước châu Âu cho rằng họ cũng có thể thu được thuế dịch vụ kỹ thuật số, vì các công ty này kiếm tiền từ doanh số bán hàng trong khu vực.
Cho đến nay, các cuộc đàm phán của OECD vẫn hết sức căng thẳng. Nhưng một cuộc đối đầu giữa Pháp và Mỹ có thể diễn ra trong vài tuần nữa.
Pháp đã trì hoãn việc thu thuế 3% đối với doanh thu của các công ty công nghệ trong khi các cuộc đàm phán tại OECD đang diễn ra. Nhưng chính quyền Paris dự định bắt đầu đánh thuế trong thời gian ngắn. Ở chiều ngược lại, chính quyền Trump có thể đáp trả bằng cách áp thuế lên 1,3 tỷ USD hàng hóa của Pháp ngay từ ngày 6/1 năm sau.
Dù Chính phủ Pháp vẫn mong muốn có được "cái gật đầu" của ông Joe Biden, nhưng không rõ nước này có sẵn sàng trì hoãn kế hoạch đánh thuế hay không. OECD hiện đặt mục tiêu đưa ra một thỏa thuận mới về thuế vào giữa năm 2021.
"Hoặc một trong hai bên chấp nhận gia hạn việc đánh thuế, hoặc một bên cho rằng việc đánh thuế đối với các hoạt động kỹ thuật số là cấp thiết và trong trường hợp này, châu Âu sẽ làm gương", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết vào tháng trước.
Việc ông Biden bày tỏ cam kết hâm nóng mối quan hệ với đồng minh, thay vì tiến hành các cuộc chiến thuế quan, có thể tạo động lực mới cho các cuộc thảo luận của OECD. Nhưng các đảng viên đảng Dân chủ từng phản đối việc đánh thuế kỹ thuật số trong quá khứ cũng sẽ khiến chính quyền Biden trong tương lai đối đầu với châu Âu về vấn đề này.
Ông Brian Jenn, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và đồng chủ tịch của Lực lượng Đặc nhiệm về Kinh tế Kỹ thuật số của OECD, cho biết: “Chính quyền Biden có thể sẽ lo ngại về các loại thuế nhắm vào các công ty Mỹ như chính quyền Trump".