So với đợt chạy thử ngày 21/12/2022 thì tại đợt chạy thử nghiệm lần này, ngoài việc kiểm tra các hệ thống cung cấp điện, hệ thống đường ray, còn có hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP) của Hệ thống tín hiệu (Signalling) nhằm đánh giá khả năng bảo vệ tàu và hành khách khi có vật cản hoặc sự cố bất ngờ.
Lần chạy thử nghiệm này với hệ thống bảo vệ tàu tự động được đánh giá thành công. Mọi công tác diễn ra suôn sẻ, hệ thống điều khiển trên tàu (Onboard ATP) đã liên kết với hệ thống điều khiển mặt đất (Ground ATP) để bảo vệ tàu và hành khách một cách tự động.
Dự kiến, sau Tết Nguyên đán 2023, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố và nhà thầu sẽ tiếp tục phối hợp để chuẩn bị cho công tác chạy thử nghiệm vận hành tàu tự động hoàn toàn (ATO).
Lần chạy thử nghiệm này với hệ thống bảo vệ tàu tự động được đánh giá thành công - Ảnh: VGP |
Trước đó, sáng 21/12, lễ chạy thử nghiệm đoạn trên cao đã diễn ra với sự tham dự của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, đại diện JICA cùng lãnh đạo UBND TPHCM, TP.Thủ Đức, các sở, ban ngành liên quan.
Với lộ trình chạy thử nghiệm dài gần 9 km, cuộc chạy thử bắt đầu từ ga bến xe Suối Tiên, đi qua ga Đại học Quốc gia TPHCM đến ga Khu Công nghệ cao. Sau đó, đoàn tàu tiếp tục đi qua ga Thủ Đức đến ga Bình Thái.
Tuyến Metro số 1 có chiều dài gần 20 km, đi qua Quận 1, quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Toàn bộ dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ cuối năm 2023.