Chỉ nên thực hiện '3 tại chỗ' ở nơi dịch bệnh vẫn kiểm soát được

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chỉ nên tính toán thực hiện mô hình “3 tại chỗ” ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”.
Chỉ nên thực hiện '3 tại chỗ' ở nơi dịch bệnh vẫn kiểm soát được

Đây là đề nghị của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngày 31/7. Điểm nổi bật được Ban IV nêu lên trong công văn này là những bất cập trong việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” và việc đảm bảo các chuỗi vận tải hàng hóa, xuất, nhập khẩu.

Xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ”

Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng ban IV, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu thực hiện “3 tại chỗ” (ăn - ở - sản xuất) trong các nhà máy là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, nhiều nhà máy không đáp ứng được yêu cầu này và đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động trong thời gian quá ngắn, hoặc do công năng thiết kế trước đó của các nhà máy hạn chế, không sẵn sàng cho hoạt động ăn, ở, ngủ nghỉ thời gian dài của hàng trăm, hàng nghìn con người.

Mô hình “3 tại chỗ” đã được các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh vận hành tương đối hiệu quả, bằng sự tuân thủ nghiêm của doanh nghiệp với các hướng dẫn về phòng chống dịch và sự hỗ trợ sát sao của các cấp chính quyền. Tại các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp nỗ lực áp dụng mô hình này cũng không ít.

Thông tin nhanh từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng (Dệt May Việt Nam, Điện tử Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chế biến Gỗ và Mỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh…) trong những ngày qua cho thấy, đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” ở một số nhà máy có số ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày.

“Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng hết sức quá tải, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối, khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp khác trên địa bàn”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho hay.

Trong bối cảnh dịch ngày càng diễn biến phức tạp, chính quyền các cấp và Ban Quản lý khu công nghiệp ở một số địa phương phía Nam đã ban hành các văn bản yêu cầu doanh nghiệp tăng cường xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhân viên, nhưng lại không làm rõ các kịch bản y tế liên quan khiến cho doanh nghiệp càng thêm áp lực vì chi phí xét nghiệm quá lớn mà không đánh giá được hiệu quả cụ thể.

Cụ thể như Tiền Giang, ngay khi doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng để thực hiện mô hình “3 tại chỗ” thì tỉnh này lại vừa ra thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp đang áp dụng "3 tại chỗ" trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8/2021 khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh hết sức bị động, khó khăn.

Từ bài học ở Bắc Giang và Bắc Ninh, Ban IV và các hiệp hội đã đề xuất nên tính toán thực hiện mô hình “3 tại chỗ” ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”.

“Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động thì các nhà máy ‘3 tại chỗ’ dù tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi tiến hành vẫn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro, khả năng bùng phát bệnh là rất cao”, bà Thủy nói.

Đi kèm với việc thực hiện “3 tại chỗ”, Ban IV cho rằng, một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh là hết sức cần thiết.

Các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cần xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy “3 tại chỗ” và phổ biến, thảo luận trước với doanh nghiệp để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó khi thực tiễn phát sinh. Hạn chế tối đa các tình huống doanh nghiệp báo nghi ngờ phát dịch thì chính quyền hoặc chậm trễ trong việc kiểm tra, hoặc kiểm tra xong chỉ yêu cầu phong tỏa toàn bộ hàng trăm, hàng nghìn lao động tại một chỗ, khiến dịch lan cấp số nhân trong nhà máy.

Đối với những tỉnh phía Nam đã xuất hiện các nhà máy “3 tại chỗ” có nhân viên, người lao động phát hiện là F0, Ban IV đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo các giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và doanh nghiệp.

Đảm bảo các chuỗi vận tải hàng hóa và xuất, nhập khẩu

Thời gian qua, tình trạng lộn xộn, đứt gãy vận tải hàng hóa đã được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, báo đài phản ánh, một phần xuất phát từ cách làm, cách hiểu và diễn giải các quy định phòng, chống dịch khác nhau ở các địa phương. Văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã tháo gỡ nhiều khúc mắc lớn liên quan tới tình trạng này.

Tuy nhiên, vận tải hàng hóa chỉ là một khâu trong chuỗi tiêu dùng và chuỗi xuất, nhập khẩu, còn nhiều bộ phận khác có hoạt động liên quan. Vì vậy, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV và các hiệp hội đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hoặc giao đầu mối các bộ, ngành, địa phương rà soát và áp dụng quy định, điều kiện đi lại thống nhất cho các nhóm nhân sự chuyên làm thủ tục xuất, nhập khẩu, nhân viên cảng, nhân viên bốc xếp... tương tự như nhóm vận chuyển hàng trong nội thành (shipper) đã được tính toán các biện pháp quản lý để đi lại thực hiện công việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Ban IV cũng đề xuất Thủ tướng xem xét, đánh giá kỹ “quy trình vận tải an toàn - lái xe không tiếp xúc” mà Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Ô tô - Vận tải Việt Nam đã kiến nghị, bởi việc sử dụng kết quả xét nghiệm sàng lọc COVID-19 (gồm cả kết quả xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR) như là giấy thông hành hiện nay, theo ý kiến nhiều chuyên gia y tế, là chưa đúng với bản chất ý nghĩa của việc xét nghiệm và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: TTXVN phát
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam
(Ngày Nay) - Theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1401/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 cử ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thay cho Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc vừa có quyết định nghỉ hưu.
Đại diện Đại học RMIT, VICAS, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại lễ khai mạc VFCD ở Hà Nội.
Khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) thường niên lần thứ 6 với chủ đề “TÁI TẠO” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 16 đến 22/11 với các hoạt động đa dạng gồm trưng bày, tọa đàm, workshop và tour khám phá, chào đón người yêu sáng tạo đến tham gia và khám phá.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa làm Ngoại trưởng trong chính quyền sắp tới. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Lựa chọn nội các mới của ông Trump gây lo ngại ở châu Âu
(Ngày Nay) - Danh sách nội các mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang làm dấy lên lo lắng tại châu Âu. Giới ngoại giao EU lo ngại rằng những lựa chọn này có thể làm suy yếu mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, khiến châu Âu phải tự mình đối mặt với các thách thức địa chính trị.
Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nghệ AI trước cuộc đua chuyển hướng
(Ngày Nay) - Một kỷ nguyên mới đang đến khi các công ty AI đang chuyển hướng tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình hiện có và bổ sung cho chúng khả năng lập luận giống con người hơn.